Khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật...

NguyenDu | 13/07/2017

 Thực trạng môi trường

Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã tác động mạnh mẽ đến môi trường của Quận, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất với các mức độ khác nhau. Ngoài nguyên nhân khách quan (như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên), nguyên nhân chủ quan là do sự gia tăng của các hoạt động kinh tế - xã hội, thiếu quy hoạch không gian lãnh thổ và công nghệ thiết bị lạc hậu, chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ của các hệ thống xử lý chất thải. Những hạn chế đó đã tác động rất lớn đến môi trường trên địa bàn Quận và được thể hiện thông qua một số vấn đề sau:

1.            Ô nhiễm môi trường không khí

Môi trường không khí thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Quận 8 nói riêng đã và đang bị ô nhiễm ở mức độ nhất định do các nguồn khí thải từ các hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng,... trong đó chủ yếu là ô nhiễm do khí thải không qua xử lý của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã làm ô nhiễm bầu không khí trên địa bàn Quận.

Mức độ ô nhiễm không khí tại từng khu vực là khác nhau, và tùy thuộc vào ảnh hưởng của các nguồn thải xung quanh. Dưới đây là chất lượng không khí xung quanh trên địa bàn Quận 8:

* Khu vực chịu ảnh hưởng của giao thông:         

Gồm 03 vị trí giám sát: khu vực chân cầu Nguyễn Văn Cừ (K01), chân cầu Chánh Hưng (K02), cầu Chà Và (K07). Nhìn chung, mức độ ô nhiễm trong không khí xung quanh tại khu vực có mật độ giao thông đông đúc và tại các nút giao thông cao hơn các khu vực khác:

Biểu hiện rõ nhất là tại nút giao thông khu vực chân cầu Chánh Hưng (K02) và cầu Chà Và (K07) có nồng độ bụi, ồn, NO2vượt quy chuẩn cho phép, mức độ ô nhiễm tại K02 và K07 lần lượt là: bụi vượt 1.32 và 1.29 lần, ồn vượt 1.05 và 1.09, NO2 vượt 1.17 và 1.05 lần;

Tại khu vực chân cầu Nguyễn Văn Cừ có giá trị các thông số nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.

* Khu vực chịu ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp

Khu dân cư công nghiệp Bình Đăng (K08) có giá trị bụi vượt 1.43 lần.

Khu vực phía sau nhà máy nhôm Kim Hằng (K09) và đối điện Kim Nghệ Phong (K10) có giá trị các thông số nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN.

* Khu vực dân cư:

Khu vực dân cư ít chịu tác động của hoạt động giao thông cũng như sản xuất công nghiệp, nên giá trị các thông số vẫn nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.

2.            Ô nhiễm môi trường nước

Hiện nay nguồn nước mặt của hệ thống sông kênh rạch trên địa bàn quận hầu hết đã bị ô nhiễm ở các cấp độ khác nhau, nhất là ô nhiễm bởi vi sinh và sự thiếu hụt ô xy trong nước.

Lưu vực kênh Đôi - kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé trải rộng trên địa bàn Quận 8 chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn tác động trên toàn lưu vực, nguồn ô nhiễm chủ yếu là do nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất công nghiệp. Hiện nay, lượng nước thải này được thu gom nhờ hệ thống cửa xả dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ về nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất hiện tại 141.000 m3/ngày. Nhờ vậy, chất lượng nước tại khu vực dần được cải thiện và có thể sử dụng tốt cho mục đích giao thông thủy cũng như mục đích khác có yêu cầu nước chất lượng thấp.

Theo kết quả trung bình năm, chất lượng nước tại khu vực chủ yếu bị ô nhiễm bởi vi sinh và thiếu hụt oxy trong nước (DO thiếu hụt từ 1.03 ÷ 3.39 lần, Coliform vượt từ 3.48 ÷ 30 lần). Các thông số giám sát còn lại đều đạt quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, tại một số vị trí giám sát như tại vị trí cầu chữ Y, Ngã 3 Tàu Hủ - Lò Gốm - Ruột Ngựa, cầu Nguyễn Tri Phương thuộc lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé bị ô nhiễm thêm chỉ tiêu COD nhưng vượt không nhiều từ 1.09 ÷ 1.12 lần. Nguyên nhân:

Vị trí cầu chữ Y, Ngã 3 Tàu Hủ - Lò Gốm - Ruột Ngựa: đây là khu vực giáp nước nên khả năng pha loãng và tự làm sạch của dòng chảy bị giới hạn, mức độ ô nhiễm cao hơn;

Vị trí cầu Nguyễn Tri Phương: do ảnh hưởng từ sinh hoạt của các hộ dân chưa thực hiện di dời, sống ven rạch Ụ Cây, thải bỏ chất thải sinh hoạt trực tiếp xuống kênh và còn các nhà vệ sinh tạm trên sông.