Quảng Ninh: Hiệu quả triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

vhdong | 17/06/2022

Sau hơn 3 năm triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các khu bảo tồn thiên nhiên được tiếp tục bảo vệ tốt, đa dạng sinh học và giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.

* Bảo tồn nguồn gen bản địa

Nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả. Cụ thể, tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, trên cơ sở đó từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch cụ thể theo định hướng phát triển của tỉnh.

Cùng với đó, công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị các nguồn gen quý, hiếm được xúc tiến triển khai theo từng đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, trong đó ưu tiên thực hiện đối với các nguồn gen có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện KH&CN của tỉnh. Điển hình như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Ðồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng quốc gia Yên Tử, Vườn Quốc gia (VQG) Bái Tử Long, Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử, đã sưu tầm và bảo tồn được 700 loại dược liệu đại diện của vùng Ðông Bắc; đồng thời lưu giữ nhiều bộ gen quý các loại, như ba kích, kim ngân, trà hoa vàng, bộ gen các loại họ nghệ…

Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Bái Tử Long, Nguyễn Hải Khiên cho biết, VQG Bái Tử Long được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vinh danh là Vườn Di sản ASEAN là niềm vui cũng là trách nhiệm rất lớn đối với đơn vị, do vậy, nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ Vườn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Ban, đây là “cái nôi” để nghiên cứu khoa học, cũng như định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với khám phá thiên nhiên.

Nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, gắn với phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất thành lập Khu Bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần và 14 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản bảo vệ các loài thủy sản đặc sản, gồm sá sùng, ngán, rươi.

Cùng với đó, công tác quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được tăng cường. Hiện trên địa bàn tỉnh có 63 cơ sở gây nuôi 15 loài với hơn 4.119 cá thể động vật hoang dã nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm và 5 loại động vật thông thường với 1.719 cá thể. Đồng thời, các lực lượng chức năng cấp 12 mã số cơ sở nuôi, trồng động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Ngoài ra, đang xem xét, ban hành bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh về cấp giấy phép mua, bán, trao, tặng, cho thuê loài nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ.

* Nhân tạo giống để phát triển kinh tế

Mặt khác, Quảng Ninh còn triển khai nhiều chuyên đề, chương trình, dự án nghiên cứu, sản xuất giống nhân tạo các loài có giá trị kinh tế, bản địa quý hiếm, như: Tu hài, ngán, sá sùng, cá chim vây vàng. Đồng thời, chú trọng phát triển nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn gen, phát huy giá trị dược liệu quý hiếm tại các địa phương: Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí...

Bên cạnh những kết quả đạt được về bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều thách thức từ hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng, và có những hành động thiết thực trong bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Phạm Hoạch