Tăng cường công tác thu, nộp quản lý phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt

vhdong | 05/10/2022

Thay mặt cử tri TP Cẩm Phả, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Vũ Ngọc Hà, Tổ đại biểu thành phố Cẩm Phả chất vấn: Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, tổng hợp số liệu về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại địa phương để báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ; đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo làm rõ kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2017/NQ- HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt; có hay không việc thất thu và giải pháp tăng cường công tác quản lý thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được HĐND tỉnh mới ban hành tại Nghị quyết số 93/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 (thay thế Nghị quyết số 61/2017/NQ-HĐND).

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Như Long trả lời:

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 61/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt:

Tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021 là: 291.398.182.046 đồng. Người nộp phí là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải sinh hoạt (trong đó trường hợp miễn phí: Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch). Đơn vị thu phí là: Tổ chức cung cấp nước sạch thu phí đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước sạch và UBND xã, phường, thị trấn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tự khai thác nước để sử dụng. Ngoài ra một số đơn vị tự khai thác nước để sử dụng, nộp phí trực tiếp về cơ quan thuế. Tỷ lệ thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt từ 7-25% tính trên giá bán 1m³ nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Về việc các đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa bao quát hết:

Nghị quyết số 61/2017/NQ-HĐND xây dựng trên cơ sở Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ được thay thế bởi Nghị quyết số 93/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 xây dựng trên cơ sở Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã bao quát toàn bộ các đối tượng chịu phí theo quy định.

Tuy nhiên, một số tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí bao gồm: Tổ chức cung cấp nước sạch tại thị trấn Bình Liêu (Bình Liêu), phường Nam Hòa và phường Phong Cốc (Quảng Yên), phường Hoàng Quế (Đông Triều) (thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước sạch do mình cung cấp) và UBND xã, phường, thị trấn (thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tự khai thác nước để sử dụng) chưa thực hiện được việc thu phí đối với toàn bộ đối tượng chịu phí trên địa bàn.

Nguyên nhân do một số tổ chức cung cấp nước sạch chưa xây dựng được giá nước hoặc chưa tính phí bảo vệ môi trường vào giá nước trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thu phí chưa thực sự có các biện pháp quyết liệt nhằm đôn đốc kê khai và thu phí đối với các đối tượng chịu phí. Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định chưa rõ ràng đối tượng miễn thu phí và cơ quan thu phí.

Giải pháp tăng cường công tác thu, nộp quản lý phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, không bỏ sót đối tượng thu:

Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 93/2022/NQ-HĐND, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Trung tâm Truyền thông tỉnh đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Tài nguyên và Môi trường, có văn bản thông báo đến các tổ chức cung cấp nước sạch và 79 phường, thị trấn (Văn bản số 3278/TNMT-BVMT ngày 20/6/2022); Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện một số nội dung nhằm triển khai Nghị quyết số 93/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh, cụ thể:

Chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của tổ chức cung cấp nước sạch và cơ quan tài nguyên môi trường theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Chỉ đạo các tổ chức cung cấp nước sạch: Trung tâm quản lý nước máy Bình Liêu (cung cấp cho thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu), Công ty TNHH Dịch vụ và xây dựng Thành Tú (cung cấp cho phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên), Công ty TNHH Hồng Quảng (cung cấp cho phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên) và Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (cung cấp cho phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều) khẩn trương xây dựng phương án giá nước sạch (bao gồm cả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt) theo quy định, gửi Sở Tài chính phối hợp cùng các sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định để thực hiện việc thu phí.

Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc UBND phường, thị trấn triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm đôn đốc kê khai và thu phí đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự khai thác nước để sử dụng cho mục đích kinh doanh, có biện pháp xử lý đối với các đối tượng không thực hiện nộp phí theo quy định tại Luật Phí và lệ phí năm 2015.

Đặng Dung (biên soạn)