Cần đầu tư chi phí tương xứng cho vấn đề môi trường của Vịnh Hạ Long…

admin | 18/07/2022

Vịnh Hạ Long là một vùng biển đảo rộng lớn, tiếp giáp với thuỷ vực của nhiều địa phương khác nhau, lại nằm trong khu vực phát triển KT-XH sôi động, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ du lịch từ nền tảng di sản thế giới này. Chính vì vậy mà vấn đề ô nhiễm môi trường di sản luôn tiềm ẩn nguy cơ cao.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về điều này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Thế Anh (ảnh), Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá về sức tải môi trường của Vịnh Hạ Long trong 2 năm qua.

- Qua quá trình nghiên cứu, ông có đánh giá như thế nào về những vấn đề môi trường mà Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt hiện nay?

+ Khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và áp lực về môi trường do sự phát triển KT-XH của chính khu vực TP Hạ Long và khu vực lân cận. Trong đó, hoạt động khai thác khoáng sản trước đây, chúng ta có những bãi thải lộ thiên mà chúng ta quản lý không được tốt thì nước mưa chảy tràn đưa các vật chất xuống làm bồi lắng, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là các nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi và các nguồn chất thải khác mà chúng ta không kiểm soát được.

Nhìn thấy rõ nhất là nước thải sinh hoạt. Chúng ta mới xử lý được 38% trong tổng số hơn 60.000m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra vịnh. Chưa kể là hiện nay chúng ta đã di dời các khu nuôi trồng thuỷ sản ra khỏi vùng lõi, tuy nhiên môi trường nước thì liên thông với nhau, nếu chúng ta quản lý khu vực nuôi trồng thuỷ sản không tốt thì các chất ô nhiễm từ khu vực nuôi bên ngoài vẫn được đưa vào trong vùng lõi do dòng chảy, sóng, hải lưu dọc bờ…

Đây là những vấn đề chúng ta cần quan tâm trong việc bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long và phát triển theo xu hướng bền vững. Bởi vì câu chuyện hài hoà giữa bảo tồn và phát triển là câu chuyện rất khó và được nhắc đến rất nhiều với các khu di sản hiện nay. Với các khu di sản ở Việt Nam thì Vịnh Hạ Long đang đi tiên phong trong việc áp dụng cách tiếp cận đánh giá sức tải môi trường cũng như sức tải du lịch, để chúng ta lập kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với sức chứa tự nhiên của di sản này. Và từ khả năng về mặt cơ sở hạ tầng có được, chúng ta có giải pháp phù hợp, xây dựng các kịch bản, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch một cách hợp lý.

Tôi lấy ví dụ như đảo Jeju của Hàn Quốc rất nhỏ, nhưng năm 2019 đón tới 8 triệu lượt khách, và họ đang mong muốn nâng lên 14 triệu lượt khách hàng năm, nhưng không có vấn đề gì về mặt môi trường cả. Rõ ràng, đây là vấn đề chúng ta phải tiếp cận đầy đủ, đồng bộ để có giải pháp bảo vệ môi trường cũng như phát triển du lịch một cách bền vững.

Tôi cho rằng, dù lượng khách có tăng lên thì áp lực môi trường cũng không lớn bằng chính hoạt động KT-XH ngay tại địa phương mà chúng ta đang tác động lên Vịnh. Nói như thế không có nghĩa là lượng khách tăng lên thì không tác động tới môi trường nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được nguồn thải đó. Ví dụ như chúng ta hiện có hơn 500 tàu du lịch thì hoàn toàn có thể thu gom lượng nước thải trên đó, còn rác thải thì đương nhiên đã làm tốt rồi.

Và câu chuyện hiện nay về tác động mà mọi người đang nói đến là tác động lên các hệ sinh thái, các loài sinh vật thuỷ sinh là cái chúng ta rất khó để theo dõi, quan trắc ngày một ngày hai mà cần có thời gian và một hệ thống số liệu đồng bộ thì mới đưa ra được các kết luận, đánh giá. Nhưng hiện nay, chúng ta nhìn thấy rất rõ sự suy thoái của các rạn san hô, các loài san hô giảm xuống và các hệ sinh thái cỏ, nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn, các bãi triều chúng ta đang san lấp, bê tông hóa rõ ràng là sẽ ảnh hưởng đến các loài thuỷ sinh và sinh vật sinh sống ở đó.

- Ông từng đề xuất tới một giải pháp là sử dụng chi phí để quy trách nhiệm lên các đơn vị khai thác trên cơ sở di sản thiên nhiên này, ông có thể nói cụ thể hơn chăng?

+ Thật ra thì đó là công cụ kinh tế trong quản lý môi trường và bảo vệ tài nguyên, được áp dụng rất rộng rãi ở các nước phát triển với nguyên tắc là người gây ô nhiễm thì phải trả tiền, ai sử dụng tài nguyên thì người đó phải trả tiền và khi sử dụng tài nguyên xả thải thì phải trả tiền. Ví dụ như ở Nhật, anh càng xả thải ra nhiều, chính quyền càng thu được nhiều tiền và người ta sử dụng tiền đó chi cho việc xử lý về môi trường.

Ở Việt Nam thì phần lớn chi phí xử lý các vấn đề môi trường lấy từ ngân sách nhà nước. Điều đó chưa tạo ra cú hích hay tác động để thay đổi nhận thức người dân. Ngay cả việc sử dụng nước, với giá thành như vậy người ta chưa sử dụng tiết kiệm, nhưng chúng ta chỉ cần tăng giá nước lên, hoặc tăng chi phí xử lý nước thải lên là ngay lập tức người ta sẽ có ý thức sử dụng tiết kiệm hơn. Đấy chính là câu chuyện chúng ta nói tới việc sử dụng các công cụ kinh tế…

Còn về mặt luật thì Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2020 có Điều 138 quy định rất rõ là các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi và khai thác lợi ích từ các hệ sinh thái tự nhiên thì phải trả tiền. Điều đó nghĩa là những người đang sử dụng dịch vụ hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long thì phải trả tiền, nhưng trả tiền như thế nào thì cần có cơ sở khoa học để tính toán đầy đủ giá trị và dịch vụ hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long mang lại.

 Như ý ông thì sự đầu tư chi phí cho vấn đề môi trường của Vịnh Hạ Long là chưa tương xứng?

+ Đương nhiên là chưa tương xứng vì những cái mà chúng ta đang khai thác từ nó. Tôi lấy ví dụ, trung bình một năm chúng ta thu được tiền phí tham quan Vịnh Hạ Long là 1.200 đến 1.300 tỷ đồng, nhưng chúng ta đầu tư trở lại bao nhiêu cho vấn đề bảo vệ môi trường thì phải tính bài toán làm sao cho tương xứng với những gì chúng ta thu được. Bản chất chúng ta bán vé là đang bán, khai thác giá trị văn hoá các hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long cho du khách thông qua giá vé tham quan, nhưng giá vé đó đã tính đủ chi phí bảo vệ môi trường chưa? Chúng ta phải tái đầu tư bảo vệ môi trường, bảo vệ các di sản tại đấy thì phải tính vào đơn giá để thu.

Nhìn mặt bằng chung hiện nay thì chi phí cho bảo vệ môi trường và phục hồi lại các tài nguyên do các hoạt động khai thác và phát triển KT-XH tác động đến, chúng ta chưa tính toán một cách đầy đủ, trừ các dự án khai thác khoáng sản hiện giờ có đóng quỹ môi trường, để trong trường hợp xảy ra sự cố thì lấy tiền đó xử lý, khắc phục. Và sau khi khai thác, anh phải hoàn nguyên, hoàn thổ.

Chúng ta mới làm với các dự án khai thác khoáng sản, còn các hoạt động khai thác tài nguyên khác chúng ta chưa tính tới. Ngay cả các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên hiện giờ, chúng ta mới thu được phí dịch vụ môi trường rừng đối với các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, một số khu du lịch sinh thái dưới hình thức cho thuê môi trường rừng. Đây là cái phải tiến tới để hoàn thiện, cho nên sự hoàn thiện về mặt thể chế hay chính sách rất quan trọng.

 Ông đánh giá thế nào về việc Quảng Ninh đi đầu trong đánh giá sức tải của Vịnh Hạ Long?

+ Thực ra thì Quảng Ninh đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh và lấy du lịch làm động lực, lĩnh vực chính trong phát triển. Việc đánh giá sức tải Vịnh Hạ Long rõ ràng là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, mà Ban Quản lý Vịnh Hạ Long là cơ quan tham mưu chung cho tỉnh về công tác quản lý di sản này. Tôi cho đây là bước tiến để chúng ta hoàn thiện hơn về cơ sở khoa học trong quản lý môi trường nói chung và bảo tồn di sản, phát triển du lịch của Vịnh Hạ Long để khai thác các giá trị văn hoá, giá trị ngoại hạng toàn cầu của di sản phục vụ cho phát triển KT-XH.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Phan Hằng (Thực hiện)