Quản lý, giám sát hoạt động khai thác nước ngầm
vhdong | 03/02/2023

Thời gian qua, Bộ Tài
nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý,
kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Theo Bộ TN&MT, nguồn
nước dưới đất có vai trò rất quan trọng để phục vụ cấp nước cho sinh hoạt cho
nhân dân và phục vụ sản xuất để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do việc
khai thác chưa hợp lý, chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu quy hoạch dẫn đến
nguồn nước dưới đất tại một số khu vực đã bị hạ thấp mực nước quá mức, nhất là
tại các khu vực đô thị đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún bề mặt đất.
Để giải quyết vấn đề
này, Bộ TN&MT đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm
tra, giám sát hoạt động khai thác để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, cụ thể Bộ
đã ban hành các Thông tư: số 17/2021/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác,
sử dụng tài nguyên nước (thay thế Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT), trong đó đã
quy định các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước (bao gồm cả
việc khai thác nước dưới đất) phải kết nối, cung cấp số liệu quan trắc vào hệ
thống giám sát khai thác, sử dụng nước để cơ quan quản lý nhà nước giám sát
việc tuân thủ quy định của giấy phép, tuân thủ pháp luật trong khai thác, sử
dụng nước; số 72/2017/TT-BTNMT quy định về xử lý, trám lấp giếng khoan không sử
dụng; số 75/2017/TT-BTNMT quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động
khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Để kiểm soát, hạn chế
khai thác tại các vùng nước dưới đất bị suy thoái, ô nhiễm, sụt lún đất hoặc có
nguy cơ bị suy thoái, ô nhiễm, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số
167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất,
trong đó quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện việc khoanh định các
vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và thực hiện các biện pháp hạn chế khai
thác để bảo vệ nguồn nước dưới đất. Bộ cũng đã gửi các văn bản đôn đốc các địa
phương triển khai thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất, tăng cường công
tác bảo vệ nước dưới đất đồng thời gắn liền với việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã
trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định phương pháp tính,
mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, được sửa đổi, bổ sung tại
Nghị định số 41/2021/NĐ-CP, theo đó quy định các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền
cấp quyền khai thác tài nguyên căn cứ theo lượng nước sử dụng. Nghị định đã có
tác động đến các tổ chức, cá nhân trong việc tăng cường ý thức khai thác, sử
dụng nước tiết kiệm, hiệu quả góp phần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Rất
nhiều tổ chức, cá nhân đã thay đổi quy trình, nâng cao hiệu quả mô hình sử dụng
nước tiết kiệm và đã đề nghị điều chỉnh giấy phép giảm lưu lượng khai thay vì
việc sử dụng lãng phí theo thói quen cũ.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung sửa đổi Luật
Tài nguyên nước, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung các điều, khoản theo hướng kiểm
soát, giám sát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất đảm bảo mục tiêu kép là
tăng cường bảo vệ nước dưới đất, đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng nước dưới đất.
Ngoài ra, Bộ cũng đang chỉ đạo sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch
tổng hợp lưu vực sông Cửu Long (dự kiến quý IV năm 2022) để quản lý, bảo vệ,
khai thác hợp lý nguồn nước nói chung, nước dưới đất nói riêng và triển khai
thực hiện Đề án Chính phủ bảo vệ nước dưới đất các đô thị lớn và Đề án điều
tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề
mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu
Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất,
trong đó một trong những mục tiêu của Đề án là đánh giá tác động của việc khai
thác nước dưới đến sụt lún bề mặt đất, trên cơ sở đó đề xuất định hướng quản
lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, giảm thiểu tác động
đến sụt lún bề mặt đất.
Trường An