Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
admin | 03/08/2022

Nghị định số
45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/08/2022 nhằm kịp thời hướng
dẫn Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất hệ thống
pháp luật về bảo vệ môi trường và phù hợp pháp luật về xử phạt vi phạm hành
chính hiện hành. Đảm bảo chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường đủ tính răn đe.
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Luật Bảo vệ môi
trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa 14 thông qua và có hiệu lực từ ngày
01 tháng 01 năm 2022. Luật đã xác lập khung chính sách nhằm hướng đến việc hình
thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với
hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ
các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng
tâm, quyết định các chính sách bảo vệ môi trường khác. Quy định đồng bộ các
công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, từ khâu xem xét chủ
trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự
án.
Với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi
trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung các quy định về bảo vệ môi
trường có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác
để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất như các quy định về đa dạng sinh học, bảo
vệ chất lượng nước nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch, quan trắc,
điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ
thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao
quát, đầy đủ toàn cảnh về môi trường của Việt Nam, phục vụ công tác quản lý nhà
nước.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cải cách mạnh
mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục
hành chính từ 20-75 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông
qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động
môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy
trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp
luật về bảo vệ môi trường. Luật ban hành gồm nhiều điểm đổi mới, cụ thể:
- Tăng cường hiệu
lực, hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hiện hành; thay đổi phương
thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết
quả, mục tiêu cuối cùng; giảm thủ tục hành chính với các đối tượng thân
thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô
nhiễm môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
- Lần đầu tiên đưa
các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật khác
nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường cũng như
các chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang quy định phân tán
ở một số Bộ vào Luật nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong
quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phân công, phân cấp đi đôi với phân
quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh
nghiệp, cộng đồng và người dân.
- Tiếp cận phương
pháp quản lý khoa học dựa trên cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ
thông tin; quản lý liên thông các giai đoạn phát triển từ chủ trương, quy
hoạch, xây dựng dự án, triển khai thực hiện đến hết vòng đời dự án.
- Xây dựng nền tảng
thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững như: kinh tế
xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon trong quy hoạch,
thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế xử lý chất thải, sản
phẩm, bao bì hoặc sản phẩm sau sử dụng. Hình thành các ngành kinh tế mới
như: đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường; hình thành thị
trường phát thải.
- Lần đầu tiên đưa
chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế;
tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương
mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP, v.v.; góp phần phòng ngừa,
ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào
Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương
mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều
của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 vừa được thông qua, có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 01 năm 2022 có một số nội dung mới mà nhiều quy định trong Nghị
định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP không còn phù hợp, cụ thể
là các quy định về:
- Nguyên tắc xử lý vi
phạm hành chính
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành
chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm,
trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là
tình tiết tăng nặng.
- Thẩm quyền quy định
về xử phạt vi phạm hành chính
Luật quy định Chính phủ quy định hành vi vi phạm
hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành
chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu
quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền
xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản
đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành
chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
- Thẩm quyền xử phạt
- Luật đã bổ sung một
số chức danh có thẩm quyền xử phạt.
- Luật sửa đổi cũng
đã tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
(không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện hoặc tịch thu tang vật,
phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm
quyền) đối với một số chức danh.
Như vậy, chế tài xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang có hiệu lực tại thời điểm hiện nay là
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một
số điều của Nghị định số 155/2016/N-CP, hai văn bản này được xây dựng trên cơ
sở pháp lý là Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính
năm 2012, Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2017.
Quốc hội đã ban hành các đạo luật có nhiều điểm
thay đổi, nhiều điểm mới thì việc tiếp tục áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm
hành chính theo quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số
55/20221/NĐ-CP trong khi các văn bản này chưa có các quy định điều chỉnh đối
với hành vi mới của Luật sẽ không phù hợp, khi triển khai trong thực tiễn sẽ
bất cập.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành cần được ban hành để có hiệu
lực đồng thời với Luật. Tại Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021
của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi
trường đã phân công Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định quy định về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CPđược ban hành nhằm bảo đảm tính tương
thích, phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định
số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và
bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết
một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phù hợp với Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số
118/2021/NĐ-CP ngày 27/12/2021 quy định chi tiết một số điều Luật Xử lý vi phạm
hành chính cũng như thiết lập khung pháp lý đồng bộ khi các Luật trên có hiệu
lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 2022.