Phát triển bền vững ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng
admin | 27/07/2022

Phó Thủ tướng
Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 về việc ban
hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày
10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và
công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu nhằm triển khai thực
hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết
số 10-NQ/TW; xác định những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của các cơ quan hành
chính nhà nước ở Trung ương, địa phương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của
Nhà nước và các cơ quan, tổ chức liên quan cùng hành động để phát triển bền
vững ngành địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của đất nước.
Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ
trọng tâm mà các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện: Tổ chức quán triệt Nghị
quyết số 10-NQ/TW; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa
chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công
nghiệp khai khoáng.
Điều chỉnh thuế suất
thuế tài nguyên một số khoáng sản
Một trong các nhiệm vụ
là hoàn thành xây dựng Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV
tại kỳ họp cuối năm 2023. Trong đó, tập trung quy định rõ nội dung điều tra cơ
bản tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa
chất, công viên địa chất); các điều kiện địa chất khác: tai biến địa chất, địa
chất môi trường, địa chất thuỷ văn - địa chất công trình, địa mạo...); công tác
điều tra cơ bản địa chất chủ yếu do nhà nước thực hiện và nguồn xã hội hoá; quy
định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn trả
kinh phí khi khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.
Đồng thời, quy định rõ
trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản; việc tái đầu tư
nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo
đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai
thác, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế và ổn định đời
sống cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Rà soát, điều chỉnh
thuế suất thuế tài nguyên một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ
tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa
chất, khai thác mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém.
Nâng cao hiệu quả quản
lý khai thác khoáng sản
Ngoài các nhiệm vụ
trên, các Bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng và quản lý tập trung, thống
nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên địa chất, khoáng sản trước năm 2025;
thiết lập nền tảng tài nguyên số, thực hiện chuyển đối số trong quản lý, khai
thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản
lý nhà nước.
Hoàn thành chuyển đổi
toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản quy mô
nhỏ lẻ, nhất là khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường không hiệu quả
kinh tế - xã hội, gây lãng phí nhiều tài nguyên, năng lượng nhằm bảo đảm an
toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030…
Theo Baochinhphu.vn