Tuần lễ Nước Thế giới 2023: Gieo hạt giống đổi mới quản lý nguồn nước
vhdong | 30/08/2023

Tuần lễ Nước Thế giới năm 2023
diễn ra từ 20-24/8 có chủ đề chung “Hạt giống thay đổi: Giải pháp đổi mới cho
một thế giới thông minh về nước”. Sự kiện tập trung vào việc thảo luận, tìm
kiếm những ý tưởng, sự đổi mới và hệ thống quản trị trong một thế giới ngày
càng bất ổn và khan hiếm nước.
* Những thách thức về nước ngày càng nghiêm trọng
Tại lễ khai mạc Tuần lễ Nước Thế giới vừa diễn ra tại Stockholm,
Thụy Điển, ông Csaba Korosi, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi cộng
đồng quốc tế lồng ghép các chính sách về nước vào các chính sách khí hậu trong
bối cảnh cuộc khủng hoảng về nước ngày càng nghiêm trọng.
Tuần lễ Nước Thế giới là sự kiện thường niên quy tụ hàng nghìn tổ
chức cùng các quan chức chính phủ, Liên hợp quốc, nhà khoa học, nhà quản lý
cùng nhau suy nghĩ lại về cách quản lý nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ Nước Thế giới, Chủ tịch Đại hội
đồng Liên hợp quốc, Csaba Korosi nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với cuộc
khủng hoảng nước. Nếu không thay đổi hướng đi, chúng ta sẽ phải đối mặt với
những thách thức ngày càng nghiêm trọng”.
Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nước ngày càng nghiêm trọng, ông
Korosi đề xuất 5 giải pháp, trong đó có xây dựng nền tảng hợp tác về nước giữa
tất cả 193 Quốc gia Thành viên Liên hợp quốc và xây dựng chiến lược về nước
trên toàn Liên hợp quốc, do Đặc phái viên về nước của Liên hợp quốc đứng đầu.
Những ý tưởng này là một phần kết quả của Hội
nghị Nước của Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2023. Tuần lễ Nước Thế giới là sự tiếp
nối những gì đã được thống nhất vào tháng 3 và có thể là bước khởi đầu cho một
số cam kết đã đưa ra - Chương trình hành động vì nước.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép
các chính sách về nước và khí hậu tại cuộc thảo luận ở Tuần Lễ Nước Thế giới,
cũng như trong cuộc trao đổi trước đó tại Viện Môi trường Stockholm (SEI), ông
Korosi cho rằng cộng đồng quốc tế cần lồng ghép các chính sách về nước và khí
hậu, bởi vì hầu hết cách chúng ta trải qua biến đổi khí hậu đều liên quan đến
nước - thông qua lũ lụt, hạn hán hoặc các bệnh truyền qua nước.
Trong một diễn biến liên quan, trước thềm
Tuần lễ Nước Thế giới, ông Johannes Cullmann của Ủy ban nước Liên hợp quốc
(UN-Water) cho rằng hạn hán không phụ thuộc vào biên giới và phải được giải
quyết theo khu vực, thậm chí trên toàn cầu.
Ông Johannes Cullmann cho biết tại Tuần lễ
Nước Thế giới, các chuyên gia và những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng
nước sẽ cùng nhau tìm kiếm giải pháp để nước có thể trở thành một công cụ mạnh
mẽ nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, mất đa dạng sinh
học, nghèo đói và nhiều thách thức khác liên quan đến nước.
Một cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết cuộc
khủng hoảng nước đang diễn ra là cần thiết khi các cộng đồng dễ bị tổn thương ở
Mỹ phải đối mặt với hạn hán và lũ lụt lịch sử. Đây cũng là một trong những vấn
đề rất được chú ý tại Tuần lễ Nước Thế giới.
* Tham dự các hội thảo
trực tuyến
Tuần lễ có nhiều phiên
thảo luận về các vấn đề quản lý nước ở từng khu vực trên toàn cầu. Bất cứ ai
trên toàn thế giới cũng có thể tham dự một số phiên thảo luận bằng hình thức
trực tuyến trực tuyến.
Một số phiên thảo luận
chính là: Vấn đề giới trong thực hiện các chỉ số toàn cầu SDG 6 (Nước và vệ
sinh cho tất cả mọi người); Tận dụng Nước vì Hòa bình; Khung tăng tốc toàn cầu
SDG6; Kế hoạch thay đổi - Báo cáo tổng hợp SDG 6 năm 2023; Cung cấp nước ở các
vùng sâu vùng xa ở Ấn Độ bằng năng lượng mặt trời; Tái sử dụng nước thải ở khu
vực nông thôn…
Ngoài ra, trong khuôn
khổ Tuần lễ còn trao Giải thưởng Nước Stockholm dành cho trẻ em và Giải thưởng
Nước Stockholm dành cho các tổ chức, cá nhân có các hành động xuất sắc trong
quản lý, bảo vệ nguồn nước. Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) sẽ phối hợp với
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao Giải thưởng này.
Mai Đan (tổng hợp)
Tuần lễ Nước
Thế giới ở Stockholm lần đầu được tổ chức vào năm 1991 với tên gọi Hội nghị
chuyên đề về Nước Stockholm. Sau đó được tổ chức hàng năm. Mỗi năm, Ủy ban
Nước Liên hợp quốc (UN-Water) lựa chọn một chủ đề khác nhau nhằm thảo luận về
giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới, như khủng hoảng khí hậu,
nghèo đói và mất đa dạng sinh học. |