Mùa xuân là Tết trồng cây
vhdong | 02/02/2024

Trong hơn 60 năm qua,
phong trào phát động “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng, tổ chức,
xây dựng trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. “Tết
trồng cây” đã tạo nên một nét xuân độc đáo, một phong tục tập quán, một nét đẹp
truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch
Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân với bút danh Trần
Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua
trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả
nước, trở thành một phong tục đẹp, thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi
dịp Tết đến, Xuân về. Trong những năm qua, phong trào trồng cây trong những
ngày Tết đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Công tác bảo vệ và phát triển
rừng tiếp tục được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực vào bảo vệ
môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tết Nguyên đán Canh Tý
1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là Tết mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta
trong mỗi dịp vui Tết đón Xuân. Các phong trào: “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây
vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi đến
ngày nay chúng ta có “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời
nhớ ơn Bác Hồ”… là những dấu ấn đậm nét về quyết tâm làm theo lời Bác của nhân
dân ta.
Tại Quảng Ninh, phong
trào trồng cây đầu năm đã thành một truyền thống tốt đẹp từ tỉnh đến các địa
phương, đến từng khu dân cư. Mỗi dịp Xuân về “Tết trồng cây” thực sự trở thành
ngày hội của toàn Đảng, toàn dân cùng nhau trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi
trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp
cảnh quan môi trường, nhất là trong bối cảnh trái đất đang đứng trước những vấn
nạn như ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi
khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán…
Nối tiếp truyền thống tốt
đẹp đó, năm 2024, Quảng Ninh có Kế hoạch tổ chức Lễ phát động cấp tỉnh “Tết trồng
cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản
địa và hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó,
nhằm nâng cao chất lượng rừng thông qua thay thế các loài cây mọc nhanh (keo, bạch
đàn...) có luân kỳ kinh doanh ngắn, hiệu quả thấp bằng trồng và hình thành lâm
phần rừng bằng các loài cây gỗ lớn, bản địa có giá trị cao về kinh tế, xã hội,
môi trường. Từ đó, nâng cao chất lượng rừng và duy trì ổn định, giữ vững tỷ lệ
che phủ rừng ở mức 55%.
Cùng với đó, nâng cao nhận
thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị đa dụng
của rừng, trồng cây, bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, góp
phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và hạn chế ảnh hưởng tiêu
cực của biến đổi khí hậu; ổn định nguồn sinh thủy lưu vực hồ đập đảm bảo an
ninh nguồn nước, phục hồi bãi thải mỏ để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Theo kế hoạch, Lễ phát động
Tết trồng cây cấp tỉnh “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn
2024 được thực hiện cùng ngày với tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây trên địa
bàn toàn tỉnh vào ngày 15/2/2024 (ngày 6 tháng Giêng). Thời gian dự kiến từ 10
giờ 30 phút tại khu vực hồ Đầm Hà Động thuộc bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm, huyện
Đầm Hà.
Để hưởng ứng “Tết trồng
cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024 các ngành, các cấp và mỗi người
dân hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trồng cây và bảo vệ
rừng. Cán bộ và nhân dân Quảng Ninh hãy tham gia trồng cây, bảo vệ môi trường
nhằm phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng tỉnh
ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Theo nguồn:
https://baoquangninh.vn