Chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ
admin | 26/08/2022

Liên tiếp
những ngày qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa kéo dài, nhiều nơi
mưa to với lượng mưa trung bình trên 50mm. Mực nước ở các sông suối lên cao,
cảnh báo nguy cơ ngập úng, lũ lụt; nhiều khu vực đồi núi tiềm ẩn nguy cơ sạt
lở… Để chủ động ứng phó trước những diễn biến tiêu cực của thời tiết, các địa
phương trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động các biện pháp phòng, chống thiên
tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Huyện Tiên Yên có đường
bờ biển dài gần 40km và có 3 con sông chạy qua địa bàn; địa hình nhiều núi cao,
độ dốc lớn, chia cắt phức tạp... Đặc thù này khiến địa phương luôn tiềm ẩn nguy
cơ cao về sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt trong mùa mưa bão. Thời gian qua, nhất
là sau cơn bão số 2, địa phương liên tiếp có mưa với lượng trung bình trong tuần
khoảng 50mm.
Bà Đỗ Thị Duyên, Phó Trưởng
Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của
thời tiết, đặc biệt là việc mưa kéo dài trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN)
huyện Tiên Yên chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN; quán triệt,
triển khai đến các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn. Căn cứ tình hình,
đặc thù, các đơn vị, địa phương trong huyện cũng đã xây dựng phương án cụ thể,
sát với thực tiễn. Trong đó, đặc biệt coi trọng phương châm “3 trước”(chủ động
phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước),
“4 tại chỗ”(lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ); duy trì hiệu quả
sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn, theo dõi sát dự báo, cảnh
báo để thống nhất trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện các giải pháp
PCTT&TKCN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao năng lực xử
lý tình huống, ứng phó với thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan…
UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn
vị, địa phương tập trung rà soát kết cấu hạ tầng liên quan, như: Đê, cống, cầu
treo, điện, ngầm, đập tràn…; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm
hành lang đê điều và công trình phòng chống thiên tai; phối hợp giữa các lực
lượng trong phòng chống thiên tai; chủ động khắc phục kịp thời hậu quả thiên
tai.
Mới đây nhất, tại thị trấn Tiên
Yên, sau những cơn mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 20 đến 22/8 làm mực nước
sông Tiên Yên dâng cao ngập ngầm tràn thị trấn, chính quyền thị trấn đã chỉ đạo
các lực lượng hạ barie, chắn toàn bộ các tuyến đường qua ngầm; cử lực lượng
canh gác, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ việc không qua ngầm khi nước
dâng cao, tự có ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân…
Đồng chí Nguyễn Văn Nhanh, Chủ
tịch UBND thị trấn Tiên Yên, cho biết: Thực hiện nghiêm phương châm “3 trước”,
“4 tại chỗ” trong PCTT&TKCN, ngay từ đầu mùa mưa bão, thị trấn đã chủ động
rà soát các kế hoạch phương án, kiện toàn về nhân lực, bổ sung vật tư, trang
thiết bị… để sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan và xử lý,
khắc phục ngay các sự cố có thể xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, đơn vị hết sức
coi trọng công tác duy trì hệ thống thông tin liên lạc, báo cáo định kỳ và
tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, kỹ năng trong PCTT&TKCN đến toàn
thể các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, nhờ chủ động các
phương án phòng chống, thị trấn Tiên Yên chưa xảy ra thiệt hại nào do mưa, lũ,
sạt lở đất hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tương tự, xã Tiên Lãng
cũng phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn về lũ từ sông Tiên Yên và sạt lở đất ở
các vị trí đồi núi khi mưa lớn kéo dài. Điển hình sau những trận mưa lớn kéo
dài nhiều ngày qua, một nhà dân nằm ở sườn đồi thuộc địa bàn thôn Thác Bưởi 1
đã bị sạt trượt toàn bộ sân nhà xuống một nhà dân nằm phía dưới… Nhờ kiểm tra,
rà soát, nắm chắc tình hình các vị trí xung yếu, có nguy cơ trên địa bàn và
theo dõi sát sao tình hình diễn biến của thời tiết, chính quyền xã đã kịp thời
hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng di dời trước khi sự cố xảy ra, đảm bảo an
toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.
Để chủ động các phương
án phòng chống thiên tai, thời tiết cực đoan do mưa bão, hiện tất cả các địa
phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tích cực, chủ động các phương án,
biện pháp ứng phó, nhất là nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, đặc biệt
chú trọng đến công tác phòng ngừa, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả; thực
hiện tốt phương châm "3 trước", “4 tại chỗ”. Cùng với đó, đặc
biệt tập trung cho việc kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án di dời người dân
khỏi các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; bảo vệ các công trình
trọng điểm, các vị trí xung yếu; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông,
giữ thông tin liên lạc thông suốt và duy trì nghiêm chế độ báo cáo; bổ sung,
sẵn sàng và huy động nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm...
Minh Hà