Đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường
admin | 26/08/2022

Với quan điểm “Đầu tư
bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững”, trong giai đoạn 2016-2022,
các nguồn lực tài chính được đa dạng hóa, huy động được cả nguồn lực trong nước
và quốc tế, nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa.
Ngân sách cho môi trường
tăng hơn 50%
Theo số liệu tổng hợp về
ngân sách dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường các năm qua cho thấy, nguồn ngân
sách năm 2021 tăng 55,8% so với năm 2015. Cụ thể, nguồn ngân sách dành cho bảo vệ
môi trường năm 2015 là 13,6 ngàn tỷ đồng thì đến năm 2021 là 21,2 ngàn tỷ đồng.
Tổng ngân sách sự nghiệp BVMT luôn được đảm bảo bố trí không thấp hơn 1% tổng
chi ngân sách nhà nước và cao hơn so với giai đoạn trước. Định mức phân bổ chi
sự nghiệp BVMT cho cấp Trung ương là 15%, cấp địa phương là 85%.
Việc bảo đảm nguồn chi
sự nghiệp môi trường nói trên là cố gắng lớn của Nhà nước trong việc đáp ứng
các điều kiện cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường. Mặc dù, trong quản lý,
phân bổ còn có một số hạn chế, bất cập, đặc biệt tại các địa phương song nguồn
chi này cũng đã góp phần quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ
môi trường (nhất là hoạt động quản lý môi trường) ở các Bộ, ngành và địa
phương.
Kinh phí đầu tư phát
triển cho công tác bảo vệ môi trường cũng đã được quan tâm bố trí hơn so với
giai đoạn 2010 -2015, đáp ứng một phần nhu cầu triển khai các dự án về hạ tầng
kỹ thuật xử lý môi trường; khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu
vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ở trung ương, kế hoạch
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan trung ương được
bố trí 1.715,56 tỷ đồng. Ở địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2016-2020 cho lĩnh vực môi trường được bố trí cho: Chương trình mục tiêu ứng phó
với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh: Kế hoạch trung hạn giai đoạn
2016-2020 nguồn vốn ODA là 15.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu xử lý triệt để
cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích: Kế hoạch
trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí cho địa phương là 42 tỷ đồng.
Bên cạnh 02 nguồn chi
ngân sách quan trọng trên, kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
và một số đề án lớn về bảo vệ môi trường đã được quan tâm, bố trí. Bên cạnh đó,
thông qua các Chương trình mục tiêu như Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng
nông thôn mới; Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng
trưởng xanh, nhiều điểm nóng, bức xúc về môi trường đã và đang được đầu tư để
xử lý, khắc phục.
Nguồn thu từ thuế BVMT
liên tục tăng ổn định qua các năm, trong vòng 06 năm (2016 – 2021), nguồn thu
này đã tăng hơn 40%.
*Đẩy mạnh xã hội hóa
Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà
nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy
nguồn vốn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường, huy động nguồn đầu tư từ
các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân.
Đến nay, đã có nhiều tổ chức và cá nhân tham
gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực môi trường từ nhiều nguồn vốn, bước đầu hình
thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích. Một số lĩnh vực dịch vụ môi
trường đã có sự phát triển mạnh như: thu gom, vận chuyển rác thải, cơ sở xử lý
rác thải; thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại (kể cả chất thải y tế); xử
lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ phân
tán,… Giai đoạn 2016 - 2022 được đánh dấu bởi những bước tiến lớn trong việc
huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo
vệ môi trường ở Việt Nam. Các nguồn vốn huy động được đã đóng góp một phần quan
trọng cho đầu tư các công trình xử lý môi trường tập trung ở các địa phương
(bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập
trung, lò đốt chất thải y tế,...).
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Bộ Tài chính
đã thực hiện xác nhận viện trợ không hoàn lại liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi
trường là hơn 4,76 triệu USD, tương đương với 110,5 tỷ đồng. Trong đó có các
chương trình, dự án lớn như: Thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc các dự án sử
dụng Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Công – Lan Thương với tổng giá trị viện trợ không
hoàn lại 1.460.500 USD cho 04 dự án, trong đó có 01 Dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ
môi trường với giá trị 467.600 USD23; Chương trình môi trường Liên hợp quốc
thực hiện dự án xử lý rác thải nhựa tại khu vực Mê Công trong đó Nhật Bản cam
kết cung cấp 5,7 triệu USD 23; hợp tác với EU triển khai Chương trình Hỗ trợ
chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới
khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo trị giá 108 triệu Euro.
Các địa phương cũng đã chủ động, huy động sự
hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế trong triển khai các dự án,
chương trình về BVMT. Có thể kể đến các hoạt động như, Bình Định đã phối hợp
với Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc triển khai
thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với
giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ thuộc Vịnh Quy Nhơn”
trong giai đoạn 2019-2021; Quảng Ngãi đã phối hợp với tổ chức Bảo vệ động vật
hoang dã (WAR) tổ chức 06 đợt khảo sát đa dạng sinh học hạn chế trên địa bàn
huyện Ba Tơ và khảo sát về sự phân bố của loài rùa.
Mai Chi