Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
admin | 29/08/2022

Quảng Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, du lịch, đô thị hoá... Việc phát triển nhanh của một số ngành kinh tế đã tạo ra nguồn thải lớn. Tuy nhiên, với quan điểm không đánh đổi môi trường thiên nhiên lấy tăng trưởng "nóng" thiếu bền vững, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp ngắn hạn cũng như dài hơi, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh.
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021,
tỉnh Quảng Ninh đã dành gần 4.300 tỷ đồng cho kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi
trường (chiếm khoảng 3% tổng chi ngân sách địa phương). Các ngành, địa phương
cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và
xây dựng ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) trong cộng đồng, người dân và doanh
nghiệp; tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, xác nhận công
trình BVMT; thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về BVMT; kiểm soát các
khu vực tập trung nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường... Đến nay, toàn tỉnh đã
đầu tư hiện đại hóa hệ thống 148 trạm quan trắc môi trường tự động kết nối từ
huyện đến tỉnh và Bộ TN&MT. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, cải tạo, phục
hồi môi trường thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Thực hiện kiểm
kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ
biển, 140 rạn san hô.
Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính
sách hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ di chuyển hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp
gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị vào CCN ở các
địa phương; kiên quyết từ chối đầu tư những dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ
ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với những
nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường; thực hiện đóng cửa,
cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; tiến hành xử lý xong 12
điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Đồng thời, tỉnh cũng có chủ
trương di dời 2 dự án xi măng Hạ Long 2 và Thăng Long 2 sang địa điểm mới để
phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, BVMT cho khu vực di sản thiên nhiên thế
giới Vịnh Hạ Long.
Các đơn vị, doanh nghiệp cũng đóng
góp chi phí lớn cho công tác BVMT. Nhờ đó, hạ tầng kỹ thuật, máy móc, trang
thiết bị BVMT từ cấp tỉnh đến cấp xã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Thiết
bị, máy móc và con người của Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh được đầu tư, có
đủ khả năng thực hiện quan trắc, phân tích hầu hết các thông số môi trường theo
quy định của pháp luật Việt Nam. 148 trạm quan trắc môi trường tự động đi vào
hoạt động, liên tục truyền số liệu về trung tâm điều hành của Sở TN&MT để
quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề môi trường phát
sinh trên địa bàn tỉnh.
Việc dành nguồn lực lớn cho công
tác BVMT, đa dạng sinh học đã giúp Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả tích
cực. Qua đó có thể thấy rõ, những năm gần đây, chất lượng môi trường trên địa
bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Ý thức, trách nhiệm đối với công tác BVMT
của các cơ quan chức năng, người dân, tổ chức, doanh nghiệp và du khách đến Quảng
Ninh được nâng lên. Mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã
từng bước được hạn chế...
Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
(TKV), hiện nay, bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, TKV đã tập trung
triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn chất thải ô nhiễm,
phòng ngừa sự cố môi trường, cải tạo, BVMT theo hướng kinh tế tuần hoàn ngày
càng bền vững. Giai đoạn 2016-2020, triển khai đề án Bảo vệ cấp bách môi trường
ngành Than, các đơn vị trực thuộc TKV đã đầu tư triển khai nhiều giải pháp cải
tạo, phục hồi, BVMT. Trong đó có các dự án: Đê đập ngăn đất đá (8 công trình);
cải tạo phục hồi môi trường bãi thải (9 công trình); nạo vét hệ thống thoát
nước (33 công trình); di dời dân cư (10 công trình); xử lý nước thải mỏ, rửa xe
và quan trắc (10 công trình); băng tải than, cầu vượt và giảm thiểu bụi, ồn (5
công trình). Những dự án trên được trải đều các vùng Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí,
Đông Triều và đã được đưa vào hoạt động. Qua đó, hỗ trợ đắc lực các đơn vị của
TKV xử lý nhiều “điểm nóng” về môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
than. Giai đoạn 2021-2025, TKV tiếp tục triển khai 5 phương án BVMT
tổng thể tại TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Đây được xác định là chiến lược dài hơi
của TKV với quyết tâm thực hiện mô hình tăng trưởng xanh, giảm thiểu những tác
động xấu đến môi trường trong quá trình sản xuất. Riêng trong năm 2022, TKV phê
duyệt 38 công trình cải tạo môi trường với giá trị thực hiện 250 tỷ đồng. Hiện
nay, các công trình đang được TKV xúc tiến triển khai đầu tư theo đúng kế
hoạch.
Với những giải pháp tích cực của tỉnh trong công tác BVMT sẽ góp
phần cải thiện môi trường sống của nhân dân, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh
tế đi đôi với BVMT. Phát huy những kết quả đạt được, hướng đến xây dựng một môi
trường sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, tỉnh đang tiếp tục thực hiện
nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý
tài nguyên, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó sẽ chú trọng xây dựng và
phát triển nền kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, với
quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết
tốt bài toán hài hòa giữa BVMT với phát triển KT-XH; đổi mới phương thức quản
lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số. Tỉnh cũng sẽ yêu cầu các địa
phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
cộng đồng về vai trò của công tác BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, để từ đó góp
phần phát triển KT-XH nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của
người dân.
Hoài Anh