Bảo vệ môi trường nơi cửa ngõ miền Tây
vhdong | 03/01/2023

Đông Triều là địa phương có nhiều thế mạnh phát triển trong
các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, cũng như hành trình đô thị hóa đang diễn
ra nhanh. Bởi thế, việc bảo vệ môi trường đang là vấn đề được ưu tiên, quan tâm
hàng đầu của địa bàn cửa ngõ miền Tây của tỉnh.
Theo
ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TX Đông Triều,
thị xã đã đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường với hàng loạt giải pháp. Đặc
biệt, thị xã đã đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường bền vững, huy động
các nguồn lực triển khai đầu tư dự án nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Mương
thoát nước khu dân cư Cầu Thuốc; khu vực Đầm Lớn, Đầm Bé; đoạn từ khu Trạo Hà
đến Trường THPT Đông Triều, phường Đức Chính; dự án Nạo vét mương tiêu thoát lũ
của phường Hưng Đạo; dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường vào hồ Nội Hoàng, xã
Hoàng Quế; đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Tỉnh lộ 332 đến thôn Bình
Lục Thượng... với tổng mức đầu tư 58,25 tỷ đồng.
Thị xã
cũng tích cực mời gọi, thu hút đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung
tại Cụm công nghiệp Kim Sen; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây
dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Tràng Lương; thực hiện các thủ tục
thu hồi đất để triển khai dự án Đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang tại xã An
Sinh; đã bàn giao đất tại thực địa cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng
Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Hồng Thái Tây…
Việc
vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn mục tiêu
nâng cấp đô thị TX Đông Triều lên đô thị loại III với bảo vệ môi trường cũng
được quan tâm. UBND các xã đã tổ chức tuyên truyền vận động làm đường liên thôn
xóm được 266 tuyến, tổng chiều dài là 52,6km, trong đó: Đường trục thôn, xóm
46,2km; mương thoát nước khu dân cư 3,8km; đường nội đồng 2,2km bằng nguồn vốn
xi măng thị xã cấp và nguồn nông thôn mới.
Trong
thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thị xã giao Đội Kiểm tra trật tự đô thị
và môi trường quản lý, giám sát hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
trên toàn địa bàn thị xã. Đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả của các bể thu
gom các bao, gói đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng, các
công trình khí sinh học (biogas) ngành chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh; thực
hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng,
thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, vỏ bao phân
bón...; lắp đặt 632 thùng composite chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử
dụng thuộc thành phần Dự án na, vải VietGAP tại 3 xã An Sinh, Việt Dân, Bình
Khê; triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
gắn với việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp an
toàn; xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép các
loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt.
Để bảo
vệ môi trường trong khu dân cư, 100% nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị mới
được xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Hiện tại trên
địa bàn thị xã có 3 khu đô thị đã được đầu tư trạm xử lý nước thải, xây dựng
trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xây dựng trạm xử lý nước thải tập
trung.
Các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các địa phương cũng tích cực thực hiện
tốt phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, huy động đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi
trường, chỉnh trang đô thị, phát quang bụi rậm, thu dọn rác thải tại nơi công
cộng. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai tốt các mô hình, giải
pháp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Tiêu
biểu, Hội Phụ nữ thị xã đã duy trì hiệu quả và giữ vai trò nòng cốt trong phong
trào “Ngày chủ nhật xanh”, thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, xây
dựng thương hiệu “Phụ nữ Đông Triều chung tay giữ sạch đường làng, ngõ phố”.
Đồng thời chỉ đạo cấp cơ sở tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào chống
rác thải nhựa, bảo vệ môi trường tại các chi hội. Qua phong trào “Ngày chủ nhật
xanh” đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên 21 xã, phường đảm nhận 25 đoạn
đường “Xanh - sạch - đẹp”; phối hợp phân loại rác từ nguồn tại 21 xã, phường.
Về phía
các doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng chủ động thực hiện các giải pháp hữu hiệu,
các sáng kiến trong bảo vệ môi trường. Như Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi
trường Đông Khê đã làm đơn đề nghị thị xã cho thu gom chất thải rắn để sản xuất
gạch không nung. Đây cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh, nếu được triển
khai sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tổ hợp Công ty CP
Gốm Đất Việt đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất để bảo vệ môi
trường…
Những
giải pháp và ví dụ điển hình kể trên cho thấy sự vào cuộc quyết liệt và tích
cực của các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trong việc tăng cường công tác bảo
vệ môi trường, hướng tới một thành phố tương lai sáng, xanh, sạch đẹp. Qua đó,
góp phần xây dựng bộ mặt đô thị, nông thôn chuyển biến rõ nét. Các chỉ tiêu về
môi trường đều đạt cao.
Hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường nơi cửa ngõ miền Tây của tỉnh thời gian qua không chỉ góp phần giúp nhân dân Đông Triều có một môi trường sống trong lành mà còn là nền tảng để Đông Triều có điều kiện thuận lợi nhất thực hiện thành công Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.