Bảo vệ môi trường trong các KCN ở miền Trung - công cụ đắc lực từ Luật BVMT 2020 - Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
vhdong | 22/02/2023

(TN&MT)
- Luật Bảo vệ môi trường 2020 được sửa đổi với nhiều nội dung liên quan trực
tiếp đến doanh nghiệp trong KCN. Hiện nay các địa phương ở miền Trung đang tích
cực triển khai đưa Luật vào cuộc sống để từng bước nâng cao trách nhiệm BVMT
của các doanh nghiệp.
Quản lý và kiểm soát ô nhiễm KCN
Khu
vực miền Trung từ Quảng
Bình đến Bình
Thuận có 32 KCN thuộc
thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN&MT. Theo đánh giá, tình hình thực hiện các
quy định pháp luật về BVMT tại các KCN ở miền Trung từng bước được quan tâm,
chú trọng. Các KCN đã góp phần hạn chế việc phân tán cơ sở sản xuất công
nghiệp, thực hiện tập trung sản xuất. Công tác BVMT được kiểm soát chặt chẽ
hơn, đặc biệt đối với công tác xử lý nước thải (XLNT), chất thải rắn, khí thải.
Theo kết quả kiểm tra, đến nay, 100% các KCN
đều có có hệ thống XLNT tập trung, 100% KCN có báo cáo đánh giá tác động môi
trường (ĐTM) và Đề án BVMT chi tiết được phê duyệt. Hơn nữa, các KCN đang từng
bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng kinh tế - xã hội - môi
trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, thực
hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Với định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển KCN sinh
thái, được thể chế hóa tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, các KCN ở miền Trung
đang thí điểm dịch chuyển sang mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế,
thu hút dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh,
sạch; gắn kết hoạt động công nghiệp với BVMT.
Nhu cầu chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái rất
cao, tuy nhiên đến nay chưa có KCN nào được chính thức công nhận và phê duyệt
theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Một trong những rào cản được cho là xuất phát từ năng lực của
các KCN. Kết quả thanh, kiểm tra của Cục Bảo vệ Môi trường miền Trung và Tây
Nguyên (trước đây) cho thấy, nhiều KCN tại miền Trung hồ sơ chưa đầy đủ, hạ
tầng thu gom nước thải còn yếu, một số KCN trang bị hệ thống XLNT nhưng chưa
đưa vào sử dụng… Điển hình như KCN Quán Ngang (Quảng Trị), hệ thống thu gom
nước thải, hệ thống thoát thải và Nhà máy XLNT giai đoạn 1 (công suất thiết kế
1.500m3/ngày đêm) đã xây dựng hoàn thành năm 2021, nhưng tại thời điểm kiểm tra
(tháng 9/2022), toàn bộ hệ thống và Nhà máy XLNT chưa được đưa vào sử dụng,
nguyên nhân do thiếu hạng mục thiết bị quan trắc tự động, liên tục tại Nhà máy
XLNT nên Nhà máy chưa được vận hành thử nghiệm.
Đưa pháp luật BVMT thành “công
cụ” BVMT hữu hiệu
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022 với 9
nội dung mang tính đột phá, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến
doanh nghiệp trong KCN như: mở rộng đối tượng phải lập báo cáo ĐTM; phí nước
thải bằng 10% giá nước sạch; phải có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy
hại; chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng bị công khai thông tin…
Các văn bản pháp luật này đã quy định rõ trách nhiệm BVMT của
doanh nghiệp từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng KCN đến giai đoạn triển khai
xây dựng và các nghĩa vụ cụ thể trong quá trình hoạt động.
Hiện nay, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về
BVMT theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được các Ban Quản lý KCN tập trung
thực hiện nhằm góp phần gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực
hiện quy định về BVMT.
Ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và
các KCN Đà Nẵng cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực môi
trường có hiệu lực từ đầu năm 2022 được xây dựng bám sát tinh thần chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách BVMT; đặc biệt nhấn
mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi
trường lấy kinh tế”, đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải
quyết sang chủ động phòng ngừa”; cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính và chuyển
từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Thời gian qua, Ban Quản lý đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các
doanh nghiệp ở các KCN nắm vững những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường để
sớm áp dụng vào thực tế, góp phần hạn chế tác động môi trường từ hoạt động sản
xuất kinh doanh và dịch vụ, từng bước đưa các khu công nghệ cao và KCN trên địa
bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí của khu công nghệ xanh và sinh thái.” - ông
Tỵ cho hay.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh
Quảng Ngãi, để nâng cao hiệu quả BVMT ở các KCN, Sở TN&MT tiếp tục tuyên
truyền, phổ biến, hướng dẫn đầy đủ nội dung Luật Bảo vệ môi trường 2020 và văn
bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, viên chức, người lao động các KCN. Đồng
thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT
đối với doanh nghiệp, nhà máy, chủ đầu tư các dự án, cơ sở sản xuất trên địa
bàn tỉnh; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Đặc biệt, yêu cầu các KCN phải
xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự
động, liên tục khí thải, nước thải của các nguồn thải lớn về Sở làm cơ sở theo
dõi, giám sát chất lượng môi trường để có biện pháp xử lý, kịp thời khắc phục sự
cố môi trường, ô nhiễm môi trường phát sinh.
Thừa Thiên - Huế hiện có 6 KCN gồm Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ,
La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh; tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.393,47ha.
Với phương châm “Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi
trường”, tỉnh đã chú trọng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình
chấp hành các quy định về quản lý, xử lý chất thải của các cá nhân, tổ chức
trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư tại địa bàn tại các KCN.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng KCN, yêu cầu các chủ đầu tư
phải xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật BVMT của KCN trước khi tiếp nhận các
dự án thứ cấp; trong đó, phải tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống
thu gom, thoát nước thải; hệ thống XLNT tập trung của KCN phải đảm bảo xử lý toàn
bộ nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Các doanh nghiệp
trong KCN phải hợp đồng thoát nước thải với các chủ đầu tư hạ tầng trước khi đi
vào hoạt động.
Đối với các dự án sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp trước
khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành công trình XLNT,
khí thải phát sinh theo cam kết tại hồ sơ môi trường của dự án; chất thải được
xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Đối với chất
thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, yêu cầu các doanh nghiệp phải ký
hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý với đơn vị có chức năng theo quy định.
Hiện tỉnh đang tiến hành phổ biến những quy định mới của Luật
Bảo vệ môi trường 2020 cho các doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó, chú trọng
khuyến khích, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về tăng cường phân loại
chất thải, tuần toàn, tái sử dụng chất thải, đồng xử lý chất thải, thu hồi năng
lượng… nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài
nguyên. Ngoài ra, đôn đốc các dự án, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải xin
cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế trọng điểm, 2 KCN thuộc quy hoạch
KCN quốc gia và 23 cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công nghiệp. Những năm qua,
công tác quản lý về môi trường những khu vực này luôn được chú trọng. Tuy vậy,
thực trạng hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý chất thải còn yếu kém
khiến vấn đề BVMT tại đây đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản
lý. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường tại các CCN ở Hà Tĩnh hiện nay chủ yếu từ môi
trường nước, không khí và từ chất thải rắn đang ở mức cao.
Số liệu thống kê, nhiều KCN, CCN hoạt động đã lâu, có nơi đi vào
hoạt động gần chục năm nay nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn. Các
doanh nghiệp, xí nghiệp hoạt động trong các CCN chỉ đăng ký chủ nguồn chất thải
nguy hại và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ vận chuyển và xử lý.
Trong khi đó, theo ước tính, có khoảng gần 50% trong tổng số hàng ngàn m3 rác/
ngày - đêm phát sinh từ các KCN, CCN.
Một vấn đề cần lưu tâm, đó là với mục tiêu khuyến khích đầu tư,
đẩy mạnh phát triển sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, những năm gần
đây, một số ngành nghề sản xuất ở các KCN, CCN đang có những dịch chuyển nhất
định. Tuy nhiên, chất thải tạo ra khi ngành nghề sản xuất thay đổi có thể là
hóa chất, chất độc hại cần một quy trình xử lý mới nhưng quy trình xử lý chất
thải vẫn giữ nguyên như cũ.
Để giải quyết vấn đề môi trường tại các khu vực này, thời gian
tới, Hà Tĩnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về
công tác BVMT, xử lý các nguồn chất thải tại các KCN, CCN; khuyến khích các tổ
chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại thân thiện môi trường trong sản xuất
kinh doanh, tạo điều kiện tốt chính sách phát triển bền vững. Đặc biệt quan
trọng, hạ tầng phải được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở
sản xuất kinh doanh phát triển gắn với BVMT.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 6 KCN đang hoạt động với 138 doanh
nghiệp đã đi vào hoạt động. Các KCN đang hoạt động được đầu tư hạ tầng đồng bộ,
có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng được yêu cầu trong công tác BVMT.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác BVMT trên địa bàn
khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các KCN Nghệ An, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã chủ
động triển khai các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT; phối hợp với các cơ quan chức năng
của Bộ TN&MT tổ chức tập huấn pháp luật BVMT năm 2022. Nâng cao năng lực
tiền kiểm, tăng cường công tác hậu kiểm. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê
duyệt báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường, giám sát việc vận hành thử nghiệm
các công trình BVMT theo nội dung giấy phép môi trường. Kiểm tra công tác BVMT
theo định kỳ hoặc đột xuất đặc biệt đối với nhóm dự án có yếu tố nhạy cảm về
môi trường, nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường.
Phát huy, huy động mọi nguồn lực chung
tay BVMT, đặc biệt chú trọng tăng cường nguồn nhân lực cao đầu tư cho sự nghiệp
BVMT, bổ sung cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về môi trường; Đẩy mạnh xã hội
hóa hoạt động BVMT và áp dụng các biện pháp kinh tế trong BVMT; Tăng cường hợp
tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT; Đầu tư mua sắm trang bị máy móc, thiết bị công
nghệ cao phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Ban Quản lý KKT Đông
Nam… để từng bước nâng cao chất lượng kiểm soát môi trường.