Hành động thiết thực vì môi trường
vhdong | 03/08/2023

Bảo vệ môi
trường (BVMT), chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm
vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, MTTQ và các tổ chức
chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường giám
sát thực hiện công tác BVMT, đồng thời phát huy tốt vai trò nòng cốt trong
tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BVMT.
Bám sát chủ trương của Trung
ương và của tỉnh về công tác BVMT, đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày
12/3/2018) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh
giai đoạn 2018-2022, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã
tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên,
nhân dân, du khách nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT, cũng như giữ
gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học. Tuyên truyền,
vận động nhân dân phát huy vai trò trong giám sát thực hiện chính sách, pháp
luật về BVMT đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan
theo quy định. Cùng với đó, hệ thống dân vận các cấp, đoàn viên, hội viên, đội
ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận cũng
phát huy vai trò trong việc nắm, phản ánh tình hình liên quan đến những vi phạm
quy định về BVMT.
Từ năm 2018 đến nay, nhiều nội
dung liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, những vi phạm các quy định về
BVMT đã được nhân dân kịp thời phản ánh thông qua các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ
và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Điển hình như: Tình trạng ô
nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ việc đổ thải tại khu vực Đông Cao Sơn (TP Cẩm
Phả); tình trạng các bãi triều tại huyện Vân Đồn bị tác động bởi các hoạt động
KT-XH, nhất là việc đổ đất lấn biển làm khu đô thị, khai thác cát gây ô nhiễm
môi trường tự nhiên, khiến nhiều loại nhuyễn thể, hải sản trên các bãi triều
suy giảm; vụ việc Công ty Phương Đông khai thác mỏ đất tại địa bàn các xã Đông
Xá, Đoàn Kết (huyện Vân Đồn), ảnh hưởng đến nguồn sinh thuỷ cấp nước cho hồ Cóc
Sếnh và ảnh hưởng đến đời sống của người dân...
MTTQ tỉnh và MTTQ các địa
phương cũng tổ chức tốt các đợt giám sát thường xuyên, trực tiếp không báo
trước về công tác BVMT tại các địa phương, trong đó tập trung giám sát về môi
trường vịnh Hạ Long và các điểm du lịch tại một số địa bàn trong tỉnh; giám sát
việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 tại
trung tâm y tế, trạm y tế, khu cách ly tập trung, trạm y tế lưu động các địa
phương trên địa bàn TP Cẩm Phả, huyện Tiên Yên; giám sát một số đơn vị doanh
nghiệp có hoạt động xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn TX Đông
Triều, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả...
Ngoài ra, cũng thông qua phản
ánh của người dân, MTTQ đã chỉ đạo giám sát đột xuất về công tác BVMT tại các
cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; tại
các trung tâm y tế, trạm y tế và phòng khám tư nhân, các làng nghề, cơ sở thu
mua phế liệu tại TX Quảng Yên, TP Hạ Long, huyện Hải Hà... Qua giám sát, đã kịp
thời phát hiện những chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các
quy định của pháp luật trong công tác BVMT, từ đó chính quyền và các cơ quan
chức năng kịp thời xử lý, không để phát sinh "điểm nóng", ảnh hưởng
đến ANTT trên địa bàn; góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT, củng cố niềm
tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Cùng với đó, MTTQ và các tổ
chức chính trị - xã hội tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua toàn dân
tham gia BVMT, như duy trì hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Chiến dịch hãy
làm sạch biển”, “Chống rác thải nhựa, nói không với tú nilon”... Tuỳ từng thời
điểm và căn cứ tình hình thực tế mỗi địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị
- xã hội các cấp đã phát động nhiều mô hình cụ thể, thu hút đông đảo đoàn viên,
hội viên tham gia, như: Tết trồng cây; "Toàn dân xây dựng nông thôn mới,
đô thị văn minh" gắn với phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn
mới"; biến rác thành tiền; phân loại rác thải tại hộ gia đình; ủ phân vi
sinh...
Từ các mô hình, phong trào
BVMT, 5 năm qua các địa phương trong tỉnh đã trồng hơn 93.000 cây xanh, vườn
hoa trên các tuyến đường chính, nhà văn hoá; người dân cũng tích cực hưởng ứng
xây dựng 1.659 công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng gần 2.000
công trình chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường... Các địa phương
trong tỉnh đang tiếp tục nhân rộng và triển khai hiệu quả 1.650 các mô hình thu
gom rác thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm nghèo bền vững và BVMT; tang
lễ văn minh, tiến bộ và BVMT...
Chung tay hưởng ứng phong trào
BVMT, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh có hoạt động sản xuất kinh
doanh cũng ký cam kết, đăng ký phương án BVMT và thực hiện nghiêm các nội dung
đã ký cam kết với chính quyền địa phương. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện
đầy đủ, nghiêm túc việc ký quỹ BVMT theo quy định tại Quỹ BVMT Việt Nam và Quỹ
BVMT tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư nguồn lực, xây dựng quy chế, chiến lược
phát triển doanh nghiệp gắn với công tác BVMT; chủ động kiểm soát chặt chẽ các
nguồn thải, xử lý nước thải, khí thải bảo đảm quy chuẩn; lắp đặt và vận hành
liên tục hệ thống quan trắc môi trường tự động; thu gom, xử lý chất thải rắn,
chất thải nguy hại theo quy định; giám sát chất lượng môi trường tại khu vực
doanh nghiệp quản lý...
Các địa phương còn làm tốt công
tác xã hội hoá hoạt động BVMT, điển hình như huyện Hải Hà huy động nguồn lực hỗ
trợ 200 tấn xi măng, 700 công lao động và gần 200 triệu đồng hỗ trợ xây mới 766
nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Phong. TP Móng Cái
có 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động ảnh hưởng đến môi trường được
xác nhận đăng ký kế hoạch BVMT, đề án BVMT đơn giản. Các đơn vị sản xuất xi
măng, nhiệt điện lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của
hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở các vị trí thuận lợi để cơ quan quản lý và người
dân dễ dàng giám sát.
Một số đơn vị đã đầu tư lắp đặt
hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, chuyển đổi dầu FO sang dầu
DO; đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý khí bụi, như tại TP Uông Bí, ngành than
đầu tư hệ thống kè, đập chắn đất đá thượng lưu suối 5 Than Thùng (phường Vàng
Danh); lắp đặt và đưa vào vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự
động tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí kết nối truyền số liệu trực tiếp về Trung
tâm điều hành của Sở TN&MT; nhà máy xi măng Lam Thạch II phát động chương
trình “Ngân hàng rác - Gửi rác rút tiền” sử dụng tái chế rác theo nguyên tắc
kinh tế tuần hoàn...
Các cấp, ngành, tổ chức chính
trị - xã hội phát động sâu rộng phong trào toàn dân BVMT. Trong đó, 100% xã,
phường, thị trấn thành lập các tổ tự quản thu gom rác và giao cho các trưởng
khu quản lý. Đồng thời, thường xuyên phát động phong trào toàn dân chung tay
hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa rộng khắp trên địa bàn tỉnh thông
qua các chương trình, hoạt động mít tinh, tổ chức ra quân, toạ đàm, triển lãm,
tuyên truyền...
Với sự chung tay bảo vệ môi
trường của toàn xã hội đã và đang góp phần quan trọng phòng chống thiên tai,
biến đổi khí hậu và bảo vệ an toàn cho chính sự sống của chúng ta.
Theo nguồn: https://baoquangninh.vn