Bảo vệ "lá phổi xanh"
vhdong | 29/12/2023

Những năm qua, tỉnh Quảng
Ninh có nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát
triển rừng. Qua đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu chuyển đổi phương thức
phát triển từ “nâu” sang “xanh”; cân bằng hài hòa giữa phát triển công nghiệp,
khai khoáng và bảo vệ môi trường.
Giữ “lá phổi xanh”
Theo Luật Lâm nghiệp, bảo
vệ rừng chính là việc giữ gìn, ngăn chặn bằng mọi cách để rừng phát triển một
cách tự nhiên không bị chặt phá hủy hoại môi trường sống bao gồm các nhiệm vụ bảo
vệ hệ sinh thái rừng; bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng; phòng cháy và chữa
cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng. Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng
trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành và lực lượng chức năng triển khai với
nhiều giải pháp.
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng
Sơn - Kỳ Thượng (TP Hạ Long) với diện tích tự nhiên 15.593,8ha được ví như “lá
phổi xanh” của tỉnh, có giá trị to lớn về bảo tồn đa dạng sinh học và giàu tiềm
năng phát triển du lịch sinh thái. Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học tại
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, có 546 loài, thuộc 332 chi của 97
họ các loài cây thân gỗ. Đây là môi trường sống của 64 loài thực vật quý hiếm
thuộc 52 chi, 38 họ, trong đó có 43 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 31
loài được ghi trong Danh mục sách đỏ của IUCN.
Một trong những nhiệm vụ
trọng tâm, mang tính "sống còn" đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng
Sơn - Kỳ Thượng là công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng và giữ được rừng
nguyên sinh. Nhận thức tầm quan trọng này, tập thể lãnh đạo, cán bộ của Khu bảo
tồn thường xuyên tuần tra, giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích quản lý, nhất
là vùng lõi với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang sinh trưởng. Ông Ngọc
Lê Huy, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, chia sẻ: Ngoài
công việc tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm còn thường xuyên phối hợp với
chính quyền các xã kết nối với người dân sinh sống trên địa bàn để nắm bắt
thông tin và tuyên truyền để người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo
vệ màu xanh của rừng hiệu quả, giảm dần tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản
trái phép.
Ông Nguyễn Thanh Khương,
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh
đã dừng khai thác gỗ tự nhiên từ năm 2004, trước 10 năm khi có Quyết định số
2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản
lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020. Điều này khẳng định rõ quan
điểm chỉ đạo nhất quán của tỉnh về bảo vệ, phát triển bền vững rừng, phục vụ
cho phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Chi cục
Kiểm lâm đã tham mưu tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan, chủ rừng
ưu tiên các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng nhằm đảm bảo duy trì,
phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, giám sát chặt chẽ đối với
các dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.
Để nâng cao hiệu quả bảo
vệ rừng, ngành Kiểm lâm tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý,
giám sát, bảo vệ rừng. Nổi bật là ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến tài
nguyên rừng đã giúp cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các Hạt Kiểm lâm ở cơ sở có
được những thông tin chính xác về vị trí lô, khoảnh, chủ rừng, loại rừng mà
không cần đến máy định vị GPS. Phần mềm này được tích hợp trên điện thoại thông
minh, giúp cho việc thực địa của cán bộ kiểm lâm khi kiểm tra vị trí, khoanh vẽ
diện tích lô rừng ngoài thực địa một cách nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu việc
sử dụng bản đồ giấy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Ngoài ra, Chi cục
Kiểm lâm còn khuyến khích các hạt kiểm lâm thường xuyên truy cập vào hệ thống cảnh
báo cháy rừng của trang thông tin điện tử Cục Kiểm lâm để sớm phát hiện, xử lý
nhanh các vụ cháy rừng. Đồng thời, sử dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng cập
nhật theo giờ giúp nâng cao khả năng tương tác, phối hợp giữa các phòng chức
năng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh với hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng ở trong tỉnh...
Nhờ vậy, diện tích rừng tự
nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ tốt, trong đó có gần 71.000ha rừng tập
trung được bảo vệ nghiêm ngặt tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu
bảo tồn thiên nhiên, đơn vị quốc phòng và các công ty lâm nghiệp; còn lại trên
51.350ha được quản lý, bảo vệ bởi các doanh nghiệp, UBND các xã và cộng đồng
dân cư theo quy định của pháp luật.
Hướng đến mục tiêu tăng
trưởng xanh
Đối với Quảng Ninh, rừng
không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng
ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy, đảm
bảo chiến lược an ninh nguồn nước, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn với đổi mới
mô hình tăng trưởng, đưa du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn. Đồng thời, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu,
vùng xa, biên giới, hải đảo và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, là vành
đai xanh bảo vệ biên giới. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh là: Phát
triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ,
phát triển rừng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm bền vững tài nguyên rừng đến khai
thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng... đảm bảo phù hợp với định hướng
phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Đồng thời, quản lý chặt
chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ
cảnh quan, môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh nguồn nước và nâng cao chất lượng
rừng trồng. Trong đó, chú trọng trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản, đáp ứng nhu cầu
lâm sản tại chỗ và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu; huy động mọi nguồn lực
xã hội để đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng; chú trọng hoàn thiện,
nâng cao chất lượng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển rừng
phòng hộ ven viển, hoàn thành việc chuyển đổi diện tích rừng sản xuất sang rừng
phòng hộ, rừng đặc dụng theo đúng quy hoạch; gắn phát triển lâm nghiệp bền vững
với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền
vững; tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng...
Với quan điểm đó, tỉnh có
nhiều quyết sách quan trọng mang tính chiến lược nhằm phát triển bền vững rừng.
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW (ngày 12/1/2017) “Về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Ban
Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) "Về
phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm
2030". Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành được nghị quyết
chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững.
HĐND tỉnh cũng ban hành
nhiều nghị quyết liên quan đến rừng, như: Khuyến khích phát triển sản xuất hàng
hoá nông nghiệp tập trung; chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp
bền vững; khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp... Các nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh được các
đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện, cụ thể hóa bằng các giải
pháp khả thi, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình thực tế của
tỉnh và từng địa phương, đơn vị. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao
trong toàn Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ
và phát triển rừng; góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
trong triển khai các dự án phát triển KT-XH và sự vào cuộc của người dân trong
công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong 3 năm gần đây, tổng
diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 38.451ha (1.973ha rừng
phòng hộ; 36.478ha rừng sản xuất) bình quân mỗi năm trồng 12.817ha; tỷ lệ che
phủ rừng đạt 55%. Đặc biệt, với chủ trương chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn,
cây lâu năm, từ năm 2022 đến nay toàn tỉnh đã trồng được 3.364ha lim, giổi, lát
(năm 2022 trồng 2.288,8ha; năm 2023 trồng 1.075,2ha). Sở NN&PTNT đã hoàn
thành xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm
2025, tầm nhìn đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có phương án trồng
rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng lim, lát, giổi và xây dựng bản đồ phân vùng định
hướng trồng gỗ lớn, cây bản địa cho từng huyện, thị xã, thành phố với tổng diện
tích phân vùng định hướng trồng các loại cây trên là 58.625ha.
Ngày 3/8/2023, UBND tỉnh
ban hành Quyết định số 2216/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả nhiệm vụ lập Đề án
Phát triển bền vững một số loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao dưới tán rừng
trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó có danh mục và hướng
dẫn kỹ thuật một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao phát triển dưới
tán rừng trên địa bàn tỉnh để các địa phương, người dân, doanh nghiệp tham gia
trồng rừng gỗ lớn và trồng xen các loại cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng áp dụng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay có 5 địa phương xây dựng Đề án phát
triển rừng trồng lim, giổi, lát giai đoạn 2020-2025: Móng Cái, Bình Liêu, Tiên
Yên, Hạ Long, Ba Chẽ. Các địa phương khác đang triển khai thực hiện.
Theo ông Vũ Duy Văn, Phó
Giám đốc Sở NN&PTNT, khi rừng được bảo vệ và phát triển; vốn rừng được đảm
bảo và ngày càng nâng cao giá trị thì chủ rừng, lao động nghề rừng, các đơn vị
doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế gắn với rừng có quyền và hoàn toàn có thể
làm giàu từ rừng. Thực tế hiện nay đất rừng, nghề rừng mang lại nguồn lợi đáng
kể cho người dân. Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, rừng mang lại việc làm cho
khoảng 60.000 lao động, thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo ông Văn, trên địa
bàn tỉnh hiện tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp phát triển lâm nghiệp
bền vững có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với định hướng, yêu cầu, điều kiện
thực tiễn tại địa phương, đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng và hiệu quả, tránh
lãng phí nguồn lực, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ: Tiếp tục tập trung
thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
về phát triển lâm nghiệp bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý
nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó chú trọng kiểm
tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định quản lý, bảo vệ và phát triển
rừng; công tác quản lý giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng. Đồng thời,
đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ rừng là tổ chức, cá nhân,
hộ gia đình và cộng đồng dân cư về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả KT-XH việc trồng
rừng cây gỗ lớn và chuyển đổi rừng trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn; vận
động người dân tích cực, chủ động đăng ký tham gia chương trình trồng rừng cây
gỗ lớn, ổn định sinh kế và làm giàu từ rừng; khuyến khích và thu hút có hiệu quả
nguồn lực xã hội để đầu tư trồng rừng cây gỗ lớn.
Theo nguồn:
https://baoquangninh.vn