Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn tự nhiên

vhdong | 27/02/2024

Chính phủ xác định, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, ngành du lịch cần phát triển bền vững và có chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo, đặc biệt là chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển.

* Vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, sau giai đoạn bị đình trệ do chịu tác động bởi dịch COVID-19, đến nay, Du lịch Việt Nam đã từng bước khôi phục trở lại, đặc biệt là hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa năm 2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Du lịch Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục. Bên cạnh những những vướng mắc về chính sách và thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu Việt Nam, ngành du lịch đang có nhiều bất cập trong vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Hơn nữa, tại nhiều điểm du lịch, nạn chèo kéo, ép giá, kinh doanh du lịch trái phép, quảng cáo sai sự thật... còn xảy ra, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến hình ảnh của Du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối diện với không ít thách thức khi cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, nguyên vẹn), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Cùng với đó, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và triều cường tác động ngày một lớn tới hoạt động du lịch...; đòi hỏi ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm.

*Đẩy mạnh giáo dục môi trường và tạo quỹ đất phát triển du lịch

Định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/2023/NQ-CP 2023 của Chính phủ là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Thực hiện định hướng này, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Cùng với đó là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vùng. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan ở các khu du lịch, các đô thị và vùng nông thôn. Nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các địa phương sẽ ban hành theo thẩm quyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn; Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”…

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành chính sách tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng có sẵn trang trại, vườn trồng cây lâu năm kết hợp làm du lịch;  Bảo đảm quỹ đất cho phát triển du lịch. Khẩn trương hướng dẫn, xác định các loại đất nông nghiệp được kết hợp tổ chức hoạt động du lịch, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách về thí điểm thực hiện khai thác du lịch kết hợp trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm không thay đổi kết cấu, hiện trạng, tính chất, môi trường và mục đích sử dụng đất.

Theo nguồn: https://www.monre.gov.vn