Tăng cường quản lý tài nguyên nước

vhdong | 22/03/2024

Thời gian qua công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo phương án quy hoạch tài nguyên nước tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tiềm năng nguồn nước trên địa bàn tỉnh khoảng 9,98 tỷ m3; trong đó lượng nước mặt khoảng 8,35 tỷ m3, nước dưới đất khoảng 1,63 tỷ m3. Lượng nước có thể khai thác, sử dụng khoảng 8,52 tỷ m3; trong đó lượng nước mặt khoảng 8,08 tỷ m3, nước dưới đất khoảng 0,44 tỷ m3.

Theo cơ quan chức năng, nhu cầu sử dụng nước hiện tại là hơn 431 triệu m3; dự báo đến năm 2025 là trên 597 triệu m3, đến năm 2030 là 646 triệu m3. Theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT, tài nguyên nước của tỉnh hiện phân bố không đều; nước dưới đất ở một số nơi đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, cần được tăng cường bảo vệ. Trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số địa phương sẽ đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Từ khi Luật Tài nguyên nước (số 17/2012/QH13) có hiệu lực thi hành (1/1/2013), công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã được một số kết quả nhất định. Đến nay tỉnh đã phê duyệt và ban hành danh mục các nguồn nước nội tỉnh, danh mục nguồn nước phải lập hàng lang bảo vệ, danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; đã hoàn thành xây dựng hệ thống quan trắc tự động ngành TN&MT, trong đó tích hợp modul tiếp nhận dữ liệu giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định; tổ chức thực hiện phương án bảo vệ khai thác và sử dụng tài nguyên nước trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đền năm 2050 trên địa bàn; phê duyệt danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh.

Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước từng bước được quản lý chặt chẽ; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước theo các kết luận, văn bản của trung ương, bộ, ngành. Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất đã được quản lý cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.

Sở TN&MT, các đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan về tài nguyên nước đến tổ chức, cá nhân có hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Sở ban hành nhiều văn bản gửi UBND các địa phương nhằm rà soát, đôn đốc, xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên nước thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước chưa cao, vẫn có các hành vi vi phạm trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp còn chưa chặt chẽ. Ngoài ra, trong quá trình triển khai Luật Tài nguyên nước, Sở TN&MT gặp một số khó khăn vướng mắc. Năm 2023 tỉnh đã tổ chức kiểm tra, xử phạt 6 đơn vị 335 triệu đồng (chưa bao gồm tiền thu lợi bất hợp pháp) về hành vi khai thác tài nguyên nước không có giấy phép theo quy định.

Nhằm tiếp tục chấn chỉnh rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế đã nêu, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải và nguồn nước trên địa bàn, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước có hiệu quả; mới đây tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý tài nguyên nước trên địa bàn trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, phân định trách nhiệm, phần việc cụ thể từng cấp, ngành.

Theo nguồn: https://baoquangninh.vn