Mở rộng các khu bảo tồn biển
vhdong | 18/03/2025

Nghị quyết số
36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt
Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải bảo tồn, phát triển và
quản lý các khu bảo tồn biển bảo đảm cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, phát
triển kinh tế biển... Thực hiện Nghị quyết, tỉnh Quảng Ninh vừa tập trung bảo
vệ, vừa mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển. Đây được coi là một trong những
phương thức hữu hiệu để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng
sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân.
Luật Thủy sản năm 2017
quy định: “Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập
ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển”.
Để bảo đảm tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào
nguồn lợi tự nhiên, các khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu
hiệu, ngay từ năm 2018, Quảng Ninh đã đi trước nhiều địa phương trong việc ban
hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn
đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch đặt ra là bảo tồn các hệ sinh thái quan
trọng, các nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, khôi phục, bảo vệ các hệ sinh thái.
Triển khai quy hoạch,
thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập Khu rừng đặc
dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long và hướng tới nâng cấp thành Vườn Quốc gia;
đề xuất công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui là khu đất ngập nước có
tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar); phê duyệt quy hoạch chi tiết và thành lập
khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần; thông qua đề án thành lập Khu bảo tồn loài -
sinh cảnh Quảng Nam Châu; thành lập 14 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với
các loài thủy sản đặc sản như: Sá sùng, ngán, rươi; triển khai 2 mô hình đồng
quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và
bãi sá sùng tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà)… Những bước đi này đã nâng cao giá
trị đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Quốc gia Bái Tử Long và
các khu bảo tồn biển, góp phần đưa Quảng Ninh lên bản đồ đa dạng sinh học của
khu vực và thế giới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ
gia đình. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc cải tạo hành lang sinh thái
ven biển, triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven
biển.
Nhằm tăng diện tích
các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 6% vào năm 2030 diện tích tự nhiên
vùng biển Việt Nam, ngày 8/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định
1352/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ
2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đối với Vùng Đông Bắc, Quy hoạch đề ra mục
tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 là: Chuyển tiếp 45 khu bảo tồn hiện có với
tổng diện tích khoảng 0,4 triệu ha (trong đó, Quảng Ninh có Vườn quốc gia Bái
Tử Long rộng 15.783 ha); thành lập mới 9 khu bảo tồn với tổng diện tích khoảng
0,1 triệu ha; hình thành 1 vùng đất ngập nước quan trọng với diện tích khoảng
0,01 triệu ha…
Để thực hiện Quy hoạch
trên, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng, tỉnh cần tiếp tục triển
khai các giải pháp đồng bộ, nhất là khi Quảng Ninh có đầy đủ các điều kiện tự
nhiên thuận lợi nhất để trở thành trung tâm thuỷ sản và du lịch của miền Bắc và
cả nước với bờ biển dài 250km, ngư trường rộng 12.063km2. Tuy nhiên, trong những năm qua việc khai thác sử dụng
tài nguyên biển thiếu bền vững và những biến đổi khí hậu mà điển hình là cơn
bão số 3 (Yagi) vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến ngành
thủy sản.
PGS.TS Nguyễn Hữu
Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam khẳng định: Nâng cao năng lực và mở
rộng các khu bảo tồn biển là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế nuôi biển,
kinh tế xanh. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Chính phủ, tỉnh cần tạo hành
lang pháp lý minh bạch và thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài
nước đầu tư hạ tầng, công nghệ cho phát triển bền vững. Đồng thời, cần tiếp tục
tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực thi pháp luật bảo tồn biển, huy động
các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia hoạt động truyền thông về bảo tồn
biển, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân để người dân chủ động,
tự giác tham gia công tác bảo tồn biển, bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn
lợi thuỷ sản; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ bảo tồn
biển địa phương; đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn biển bằng cách tăng cường
ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, tỉnh cần tập trung
nguồn lực để hoàn thành hồ sơ xét công nhận phần diện tích mặt nước của Vườn
quốc gia Bái Tử Long là khu bảo tồn biển. Khi được công nhận, đây sẽ là khu bảo
tồn biển quốc gia đầu tiên của Quảng Ninh, góp phần tháo gỡ nút thắt về công
tác quản lý, từ đó phát huy các giá trị đa dạng sinh học gắn với phát triển
kinh tế, đặc biệt là các hoạt động du lịch.
Hoàng Nga
Nguồn: https://baoquangninh.vn/