Thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh
vhdong | 18/03/2025

Ngày
22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ
chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự
tiêu thụ. Như vậy, sau gần 4 năm, Công ty Điện lực Quảng Ninh dừng tiếp
nhận các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng mua, bán điện từ các hệ thống điện mặt
trời mái nhà, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho
việc phát triển nguồn năng lượng xanh này.
Trước nhu cầu thiếu
điện trong cả nước, năm 2019, Bộ Công Thương chính thức ban hành Thông tư số
05/2019/TT-BCT về phát triển năng lượng mặt trời. Điều này mang lại nhiều lợi
ích thiết thực, giúp các hộ gia đình giảm chi phí hóa đơn điện, nhất là ban
ngày khi nhu cầu tiêu thụ điện cao. Các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng như
máy làm mát, bơm nước có thể vận hành bằng nguồn điện mặt trời, giúp tiết kiệm
và giảm tải cho hệ thống điện quốc gia. Ngoài việc tiết kiệm, điện mặt trời mái
nhà còn giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Nắm bắt được lợi ích
từ điện mặt trời mái nhà, năm 2019-2020, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, cơ quan
trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và đã được đấu nối
vào lưới điện do Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý. Ông Đào Quang Tuấn (khu
7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) cho biết: Tháng 2/2020, nhà tôi đã quyết định
lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Sau nhiều năm sử dụng, tôi thấy rất hiệu quả từ
nguồn năng lượng này mang lại. Với chi phí đầu tư 170 triệu đồng để lắp đặt hệ
thống điện mặt trời trên mái nhà với công suất 10,8kWp, hàng tháng nhà tôi đã
giảm được 2/3 chi phí tiền điện.
Với mức giá mua lại
điện mặt trời mái nhà hấp dẫn đã tạo động lực cho nhiều gia đình, doanh nghiệp
đầu tư vào mô hình này. Tuy nhiên, do quy định về giá mua điện tại Quyết định
số 13/2020 (ngày 6/4/2020) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát
triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, nên tất cả
hệ thống điện mặt trời mái nhà đều không thể phát điện mặt trời dư thừa lên
lưới và không thể bán điện cho ngành Điện. Nguyên nhân chủ yếu do nhà nước và
các cơ quan quản lý lo ngại về việc mất an toàn hệ thống điện nên tạm dừng việc
tiếp nhận để nghiên cứu chính sách an toàn, bền vững cho điện mặt trời mái nhà.
Thực hiện theo Quyết định số 13/2020, Công ty Điện lực Quảng Ninh dừng tiếp
nhận các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng mua, bán điện từ các hệ thống điện mặt
trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020. Hết năm 2020, toàn Công ty mới ký
304 hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với tổng công suất trên 3.676kWp.
Trong đó, có 2 khách hàng có công suất lắp đặt trên 100kWp; 302 khách hàng có
công suất lắp đặt dưới 100kWp. Tổng sản lượng điện mua từ các dự án điện mặt
trời mái nhà là gần 1.800.000kWh, tương ứng với gần 3,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Tập
đoàn Điện lực Việt Nam, do nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%/năm, năm 2025 cả
nước cần phải tăng thêm công suất từ 2.200-2.500MW. Một trong những giải pháp
nhằm đảm bảo đủ điện cho năm 2025 được Chính phủ ưu tiên là tạo điều kiện cho
người dân được phát triển điện mặt trời mái nhà. Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban
hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP với những điểm mới nổi bật, giúp các tổ chức
và cá nhân lắp đặt, sử dụng điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ mà không cần
giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau: Không đấu nối hệ thống
điện quốc gia; công suất dưới 100kW; lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược
điện vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, cho phép không giới hạn công suất
lắp đặt trong một số điều kiện nhất định. Đối với hộ gia đình có hệ thống điện
nối với lưới điện quốc gia, nếu lượng điện sản xuất không được tiêu thụ hết, có
thể bán lại cho hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 20% công suất lắp đặt
thực tế (công suất dưới kW).
Chính phủ đưa ra nhiều
chính sách ưu đãi để hỗ trợ các hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời, như miễn
thuế nhập khẩu thiết bị và cung cấp các gói vay ưu đãi..., giúp giảm chi phí
ban đầu, tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận với hệ thống điện mặt trời.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những chính sách mới từ Nghị định số
135/2024/NĐ-CP góp phần thúc đẩy phát triển điện mặt trời và tạo nền tảng cho
một tương lai sử dụng năng lượng xanh.
Triển khai Nghị định,
ngày 4/12/2024, UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực điện
lực thuộc quyền giải quyết của Sở Công Thương. Trong đó có quy định cụ thể về
đối tượng áp dụng, nguyên tắc phát triển, các hành vi bị cấm, hoạt động đăng ký
cấp giấy chứng nhận phát triển, trình tự, hồ sơ thực hiện phát triển nguồn điện
mặt trời mái nhà.
Ông Đào Duy Linh,
Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Từ ngày 4/12/2024
đến nay, Sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự
sản xuất, tự tiêu thụ cho 3 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đủ điều kiện
theo quy định của pháp luật với tổng số gần 50MW. Theo kế hoạch của các nhà đầu
tư trong các khu công nghiệp, dự kiến hết năm 2025, Sở cấp giấy chứng nhận đăng
ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với tổng công suất
khoảng 25MW. Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các
doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh trong việc xuất khẩu hàng hóa sang EU,
đảm bảo tuân thủ Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal) và Cơ chế điều
chỉnh biên giới carbon (CBAM). Bên cạnh việc cấp giấy chứng nhận đăng ký
phát triển điện mặt trời mái nhà, Sở cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương
đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích cá nhân và hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái
nhà. Qua đó, góp phần tăng tỷ năng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng
lượng xanh trên địa bàn tỉnh...
Hoàng Nga
Nguồn: https://baoquangninh.vn/