Giữ dòng xanh trong cho sông Ba Chẽ
luuphu | 24/03/2025

Chủ nhật, 23/03/2025 |
14:38:12 [GMT +7]
Ba Chẽ là con sông lớn
chảy dọc chiều dài huyện cùng nhiều hệ thống khe, suối nhỏ, cung cấp nguồn nước
sạch dồi dào phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Bởi vậy,
nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước tự nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường đã được huyện rất coi trọng.
Nguồn dự trữ nước sạch
Sông Ba Chẽ chảy theo
hướng Đông Bắc từ xã Lương Minh và theo hướng Đông từ xã Thanh Lâm, chảy qua
thị trấn Ba Chẽ rồi xuôi về biển với tổng chiều dài khoảng 80km. Nếu tính cả
những con suối phía Nam xã Đồn Đạc thì sông dài áng chừng trên 95km. Còn tính
từ nhánh qua phía Tây xã Lương Minh thì sông Ba Chẽ dài đến 150km.
Từ Lương Minh chảy về thị trấn, lòng sông Ba Chẽ cao hơn, quả là con sông có
lưu vực rộng với nhiều thác ghềnh. Nào là thác Trúc (xã Thanh Sơn), thác Khe
Lạnh, thác Khe Ngại (xã Nam Sơn), thác Đá Vuông, thác Khe O, thác Sông Công (xã
Đồn Đạc), thác Khe Ốn, thác Khe Lào, thác Khe Xoong (xã Thanh Lâm), Khe Lầy (xã
Đạp Thanh)... Anh Nguyễn Văn Hoa, người có đến 32 năm làm nghề lái đò trên
sông, chở chúng tôi đi ngược, khám phá dòng sông bảo rằng, anh cũng không biết
chính xác con sông dài đến độ nào. Chỉ biết rằng, có thể mất cả đời cũng không
đi hết được mọi ngóc ngách của con sông.
Cùng với Lang Cang,
nhiều thác nước đổ xuống suối. Nhiều con suối nhỏ ấy rủ nhau hợp thành sông.
Suối giống như những sợi chỉ nhỏ dệt nên tấm thổ cẩm dài mà sơn nữ vừa đan xong
rồi choàng lên đôi vai lực lưỡng của chàng trai khổng lồ là núi rừng Ba
Chẽ.
Sông Ba Chẽ còn tạo độ
ẩm cho đất sinh sôi ra nhiều loại đặc sản, như: Mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm,
sa nhân và ba kích Lương Minh, quýt bưởi Đạp Thanh v.v. Nước sông Ba Chẽ được
ví như vò nước ngọt khổng lồ, nguồn dự trữ chiến lược nước sạch cho các đô thị
lớn ở Quảng Ninh. Con sông Ba Chẽ nước luôn trong xanh, điều hoà khí hậu mát
lành thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái hấp dẫn. Chẳng thế mà từ thời
thuộc Pháp, nhiều thương gia đã đến đây xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, kết hợp
với thú vui săn bắn.
Nước sông cũng làm cho
tôm cá ở đây ngon hơn. Chốc chốc, chúng tôi lại gặp một chiếc thuyền nhỏ. Anh
Hoa bảo rằng vợ chồng họ đang đi bắt tôm. Dụng cụ bắt hết sức thô sơ, chỉ là
chiếc vợt. Điều đó chứng tỏ tôm phải sẵn đến độ nào. Đặc biệt, tôm rảo cùng với
cà ra sông Ba Chẽ đều là những sản vật ngon có tiếng. Dòng sông trong xanh cũng
là nơi sinh sống lý tưởng của con cà ra. Loại đặc sản này có vị ngọt, béo ngậy,
nhiều gạch và thơm ngon đặc trưng không giống như những loại cua, ghẹ khác. Anh
Hoa hồ hởi bảo tôi rằng, có muốn ăn hải sản ngon hơn nữa thì cứ theo anh xuôi
theo dòng sông qua cầu Ba Chẽ ra phía biển. Đồ biển ở đây ngon không chỉ bởi
con sông Ba Chẽ mang theo nhiều phù du mà còn bởi thứ thủy sinh ở nơi này là
loài sống hai nước, vừa nước mặn lại vừa nước ngọt.
Nhiệm vụ sống còn
Với đặc thù sông Ba
Chẽ kéo dài toàn huyện nên bảo vệ rừng được xem là nhiệm vụ sống còn, gắn liền
với bảo vệ nguồn nước. Nhờ những cánh rừng Đồng Sơn, Kỳ Thượng thuộc TP Hạ
Long, một phần rừng của huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) và diện tích rừng trên
địa bàn huyện được bảo vệ tốt nên nhiều năm qua, Ba Chẽ về cơ bản giữ được mực
nước an toàn, chất lượng nước tốt. Sự đầu tư thiết thực cho việc trồng, chăm
sóc, bảo vệ rừng đã tác động tích cực đến việc tạo nguồn sinh thủy, cung cấp
nguồn nước cho các sông, suối trên địa bàn, tạo sự ổn định về nguồn nước để
phục vụ nhân dân.
Trước những khó khăn
về nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân các xã vùng cao, huyện Ba Chẽ tập
trung đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Hiện các
hộ dân trên địa bàn chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các công trình: Hồ Khe Lừa
(xã Lương Minh); hồ chứa nước Khe Lọng Trong (xã Thanh Sơn); hồ chứa nước Khe
Mười và công trình nước sinh hoạt Khe Lầm, thôn Tàu Tiên (xã Đồn Đạc), hồ chứa
nước Khe Tâm (xã Nam Sơn). Ngoài ra, huyện tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống
nước sạch tại các thôn Đồng Loóng, Đồng Tiến (xã Thanh Lâm); thôn Nà Làng, Khe
Vang (xã Đồn Đạc); thôn Khe Nà, Khe Pụt (xã Thanh Sơn). Hiện huyện có 54 công
trình cấp nước sạch, 133 công trình thủy lợi nhỏ cấp nước sản xuất cho người
dân.
Từ năm 2023, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/HU ngày 26/4/2023
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ
môi trường, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai gắn với bảo vệ dòng sông Ba Chẽ,
giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện,
Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thực sự đi vào cuộc
sống, nhận được sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp ủy Đảng, Chính quyền,
MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện
đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát
triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ông Vũ Thành Long, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, cho rằng, sau gần 2
năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện
đã đạt được kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là công tác quản lý tài nguyên,
bảo vệ môi trường, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai gắn với bảo vệ dòng sông Ba
Chẽ được đặc biệt quan tâm; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất
thải được tăng cường, hạ tầng cung cấp nước sạch và nước sinh hoạt được đảm
bảo… chất lượng môi trường sống của người dân được cải thiện, nâng cao.
Trong Nghị quyết nói trên, nội dung bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ, tái tạo
nguồn lợi thủy sản là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. UBND huyện
cũng đã nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp nhằm nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên
quý này, trong đó đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thả hàng chục
ngàn con giống cà ra tại sông Ba Chẽ, để phát huy nguồn giống, tái tạo nguồn
lợi thủy sản quý. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân
tuyệt đối không sử dụng các hình thức khai thác tận diệt, chỉ khai thác những
loài thủy sản đủ kích cỡ quy định, để bảo tồn và phát huy nguồn lợi thủy sản
cũng như phát huy giá trị kinh tế của địa phương.
Sông Ba Chẽ còn hấp dẫn bởi bên bờ có di tích lò sứ cổ có niên đại hàng trăm
năm ở thôn Làng Mới, xã Nam Sơn. Trước đây, vào lò sứ cổ không có đường bộ mà
bà con phải đi lại bằng thuyền. Tương truyền, khi có người lạ vào làng, lập tức
có người chặn hỏi mật hiệu, nếu không trả lời đúng thì lập tức bị đuổi ra khỏi
làng. Thế rồi, nghề ông cha cũng mai một, lò sứ cổ đóng cửa, nằm im lìm giữa
rừng già. Do đường đi lại khó khăn nên di tích này đã được giữ khá nguyên vẹn.
Tương truyền, trữ lượng đất sét cao lanh còn lại ở khu vực này rất lớn, nghe
đâu độ chừng dễ đến 2 tỷ tấn. Nhưng huyện Ba Chẽ định hướng chưa khai thác để
tránh đi nguy cơ “gặt lúa non” để lại cho cháu con một chút lưng vốn lâu dài.
Trong thời gian tới
đây, huyện sẽ tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư
nông thôn; thực hiện cắm mốc bảo vệ hành lang dòng sông Ba Chẽ. Muốn bảo vệ
nguồn nước thì phải nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng; nâng cao
tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Bí thư Huyện uỷ Vũ
Thành Long yêu cầu hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở và các tầng lớp nhân
dân tiếp tục quán triệt thực hiện xuyên suốt, hiệu quả tinh thần Nghị quyết số
11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ,
giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ
dòng sông Ba Chẽ.
Đồng thời, thực hiện
hiệu quả chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, bảo vệ nghiêm ngặt môi
trường, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên ven bờ sông suối; phát triển các
mô hình khí sinh học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất chăn nuôi và sản xuất
nông lâm nghiệp… Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp
hành pháp luật bảo vệ môi trường; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
gắn với công tác thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực
trong công tác bảo vệ môi trường.
Phạm Học
Nguồn: https://baoquangninh.vn/